TP.HCM: Số ca mắc sởi trong tuần qua tăng gần 54% so với các tuần trước đó

Y tế - Ngày đăng : 13:30, 04/09/2024

TP.HCM ghi nhận 106 ca bệnh sởi trong tuần qua, tăng gần 54% so với trung bình 4 tuần trước, ngành y tế tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine.
Y tế

TP.HCM: Số ca mắc sởi trong tuần qua tăng gần 54% so với các tuần trước đó

Thanh Thanh 04/09/2024 13:30

TP.HCM ghi nhận 106 ca bệnh sởi trong tuần qua, tăng gần 54% so với trung bình 4 tuần trước, ngành y tế tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trong tuần 35 (từ ngày 26/8 đến ngày 1/9/2024), thành phố ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 106 ca sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP.HCM tích lũy từ đầu năm đến nay là 644 ca. Trong đó, ghi nhận 3 ca tử vong liên quan đến sởi: 2 ca ở thành phố và 1 cả ở tỉnh. Những trường hợp tử vong này là những trẻ có bệnh bẩm sinh.

benh-soi.jpg
TP.HCM ghi nhận 106 ca bệnh sởi trong tuần qua, tăng gần 54% so với trung bình 4 tuần trước

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, số ca sởi đang tăng nhanh và trẻ ở dưới 5 tuổi chiếm 73,2%, đáng lo ngại xu hướng này chuyển dịch lên nhóm tuổi lớn hơn. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng dịch COVID-19, tỷ lệ bao phủ vaccine chưa đạt, ở mức dưới 95%; đồng thời, có gần 20% trẻ trên địa bàn, nhưng có địa chỉ tỉnh khác, nên trạm y tế không biết để mời tiêm.

Để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trên địa bàn, hiện TP.HCM đang tiếp tục chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi; với 308 bàn tiêm, tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 8 bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau 3 ngày triển khai chiến dịch, đã tiêm được cho 12.625 trường hợp, trong đó có 77 trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 19 trường hợp là nhân viên y tế.

Trong thời gian này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cũng đã tổ chức đoàn giám sát để kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế. Kết quả giám sát cho thấy, quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông tại các trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích gia đình đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.

Thanh Thanh