Các địa phương khẩn cấp triển khai các phương án ứng phó với bão số 3

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:16, 04/09/2024

Ứng phó với bão số 3, nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bão nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu tối đa thiệt hại tài sản của người dân.

Theo nhận định của chuyên gia, bão số 3 (bão Yagi) là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Bão có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc bộ ở cường độ rất mạnh, đặc biệt tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và khu vực xung quanh.

Ngoài gió mạnh, bão sẽ gây ra sóng biển cao 7 - 9 m, ảnh hưởng trực tiếp đến tàu thuyền hoạt động trên biển. Thậm chí, bão có thể đánh chìm những thuyền có tải trọng lớn.

Trước tình hình trên, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang cấp bách triển khai nhiều phương án phòng, chống bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản người dân khi ứng phó với bão số 3.

nam-dinh.jpg
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định được yêu cầu hướng dẫn tàu thuyền tránh vùng nguy hiểm trong bão số 3.

Tại Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 86/CĐ TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần theo dõi sát sao diễn biến bão, lũ và triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ". Các biện pháp bao gồm hướng dẫn tàu thuyền tránh vùng nguy hiểm, sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ ngập lụt, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp, Quân sự, Giao thông, Công an và các Sở ngành khác được chỉ đạo sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ công trình và duy trì trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, phối hợp chặt chẽ để ứng phó kịp thời với tình hình thiên tai.

Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn, yêu cầu các cấp, ngành rà soát và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão. Cụ thể, cần sắp xếp tàu thuyền, di dời lao động nuôi trồng thủy hải sản và ngư dân khỏi các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo và diễn biến của bão, quản lý việc ra khơi và thông báo kịp thời cho các phương tiện hoạt động trên biển về vị trí và hướng di chuyển của bão để họ có biện pháp phòng tránh.

Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình cần hạ thấp mực nước trong hệ thống để chuẩn bị đối phó với bão.

Các địa phương cần khơi thông dòng chảy và điều tiết nước mặt ruộng hợp lý để bảo đảm sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh cho lúa Mùa. Đồng thời, lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải luôn sẵn sàng để ứng phó khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, và kiểm tra, củng cố các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu.

Tính đến ngày 3/9, toàn tỉnh Thái Bình có gần 1.000 tàu thuyền với gần 3.000 lao động hoạt động trên biển, cùng với hàng nghìn lao động nuôi trồng thủy sản tại các bãi ngao và đầm ven biển.

quang-ninh-bao.jpg
Quảng Ninh chủ động ứng phó với bão theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”.

Để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu các địa phương và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 86/CĐ-TTg và các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh về phòng, chống bão số 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để theo dõi diễn biến của bão, thông tin kịp thời đến các địa phương và hướng dẫn triển khai biện pháp ứng phó, đặc biệt là quản lý tàu thuyền, hồ chứa nước, và an toàn trong tình huống mưa lớn sau bão.

Theo đó, Bí thư các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão, đảm bảo không xảy ra thiệt hại do lơ là, chủ quan. Chủ tịch UBND các địa phương cần thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”, chủ động hướng dẫn người dân và các đơn vị ứng phó với bão số 3, đặc biệt là phòng chống ngập lụt, sạt lở, và bảo vệ các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Sở Giao thông Vận tải được chỉ đạo chuẩn bị phương án cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn và sẵn sàng ứng phó với tình huống gió mạnh trên các tuyến đường bộ. Các lực lượng quân sự, biên phòng, công an tỉnh được lệnh sẵn sàng lực lượng và phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu hộ. Sở Du lịch cần nắm rõ số lượng khách du lịch, đặc biệt là tại các khu vực ven biển, và thông báo tình hình bão để các doanh nghiệp du lịch có phương án chủ động.

Tại Hải Phòng, ngày 3/9, UBND TP Hải Phòng cũng đã ra công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trong thành phố không được lơ là trước diễn biến của bão. Các cơ quan này phải theo dõi chặt chẽ tình hình bão, quản lý nghiêm ngặt các phương tiện ra khơi, đồng thời kiểm đếm và thông báo cho các chủ phương tiện, lồng bè nuôi trồng thủy sản, thuyền trưởng tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Các cơ quan chức năng cần sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, tăng cường thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ phương tiện và người dân để họ có biện pháp ứng phó kịp thời.

bac_can.jpg
Sạt lở, lũ quét là những nỗi lo thường trực của người dân vùng cao khi mưa lớn xảy ra.

Còn tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng từ chiều ngày 3/9, một số khu vực đã có mưa nhỏ rải rác. Các địa phương đang tiếp tục có các phương án ứng phó chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” trước nguy cơ sạt lở, lũ quét có thể xảy ra, đặc biệt tại Cao Bằng, nơi vừa trải qua trận lũ lịch sử khiến hơn 640 ngôi nhà bị ngập úng, hơn 1.600 ha hoa màu bị lũ cuốn qua… Bên cạnh khẩn trương khắc phục hậu quả, Cao Bằng cũng đồng thời sẵn sàng cho tình huống hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn khiến các vùng trũng thấp bị ngập trở lại.

Trong khi đó, tại Thanh Hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công điện khẩn, yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi sát sao diễn biến bão số 3 và mưa lũ, đồng thời triển khai biện pháp ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Các địa phương phải kiểm tra, rà soát tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông, các công trình đê điều, hồ đập, và cơ sở hạ tầng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các lực lượng quân sự, biên phòng, công an phải sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, và các đơn vị liên quan phải đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp điện và bảo vệ công trình.

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin về diễn biến bão và công tác ứng phó. Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh sẽ theo dõi và ban hành các chỉ đạo cần thiết. Tất cả các đơn vị liên quan phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại Nghệ An, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động các phương án ứng phó với bão. Các đơn vị biên phòng được chỉ đạo thường xuyên theo dõi diễn biến bão, xây dựng kế hoạch phòng chống và phối hợp với chính quyền địa phương. Họ cũng kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, duy trì lực lượng và phương tiện ứng trực sẵn sàng cho mọi tình huống.

Các đơn vị cũng đã kiểm tra, gia cố hệ thống kho tàng, doanh trại, và đảm bảo thông suốt hệ thống thông tin liên lạc. Bên cạnh đó, họ phối hợp với địa phương để tuyên truyền, vận động người dân phòng chống bão, kiểm tra các khu vực nguy hiểm như ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng, và ven biển để có phương án ứng phó kịp thời.

Chiều ngày 3/9, Đồn Biên phòng Diễn Thành đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho các chủ tàu thuyền về diễn biến của bão, đồng thời vận động người dân thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu và bảo vệ cây trồng, vật nuôi để đảm bảo an toàn trước bão.

hue.jpg
Tàu thuyền neo đậu tránh bão. Ảnh: Phúc Đạt.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, gió mạnh, sóng lớn trên biển trong những ngày tới.

Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, bãi ngang ven biển) biết diễn biến của bão số 3, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa hè thu còn lại, có phương án bảo vệ diện tích chưa thu hoạch xong.

Sáng ngày 4/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cũng vừa có công điện về việc triển khai ứng phó với bão số 3 (Yagi).

Theo đó, đơn vị yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản người dân.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NNPTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Hoàng Thơ