Canh tác lúa ‘thuận thiên’ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm phát thải gần 11 triệu tấn CO2 mỗi năm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 09/09/2024

Canh tác lúa theo hướng "thuận thiên" là xu thế tất yếu, bền vững, mang lại nhiều lợi ích, vừa đạt mục tiêu kinh tế, bảo vệ môi trường, giảm phát thải hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và bảo vệ tương lai cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Kinh tế

Canh tác lúa ‘thuận thiên’ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm phát thải gần 11 triệu tấn CO2 mỗi năm

Tuấn Kiệt 08/09/2024 13:30

Canh tác lúa theo hướng "thuận thiên" là xu thế tất yếu, bền vững, mang lại nhiều lợi ích, vừa đạt mục tiêu kinh tế, bảo vệ môi trường, giảm phát thải hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và bảo vệ tương lai cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Giáo sư Andy Large, Giám đốc Dự án Đại học Newcastle (Vương quốc Anh) nhận xét kết quả nghiên cứu của 3 hợp phần chính của dự án “Nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)“ (Living Deltas Hub) giai đoạn 2019 - 2024 như sau: "Phát triển nông nghiệp theo hướng thuận thiên không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn mang đậm yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa địa phương, không chỉ cho hôm nay mà còn lưu truyền cho thế hệ tương lai của vùng ĐBSCL theo đúng tinh thần của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu".

ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, phát triển không bền vững, tác động từ thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông. Cùng với đó, ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa cũng như gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến triển vọng phát triển cũng như sinh kế lâu dài của người dân.

Thực tế, các địa phương ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp canh tác nông nghiệp theo hướng "thuận thiên" như Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khi hậu; mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học; chăn nuôi tuần hoàn, kinh tế dưới tán rừng, mô hình lúa - tôm…

img_8316.jpeg
Mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Văn Kiền, Trưởng dự án Trường Đại học An Giang cho biết: Mô hình canh tác lúa sinh thái, hữu cơ là hình thức canh tác nông nghiệp "thuận thiên" độc đáo gắn liền với vùng ĐBSCL, giúp nông dân thích nghi một cách hài hòa với thiên nhiên và có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

“Nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo hữu cơ nói riêng đã có, thậm chí đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng 'thuận thiên' vẫn chưa cao và nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.

Mặt khác trên thực tế, không phải mô hình theo hướng ”thuận thiên nào cũng đem lại hiệu quả cao. Do đó, cần phải xây dựng những mô hình nhỏ để chứng minh hiệu quả, sau đó mở rộng, kết hợp với liên kết vùng, liên kết tiêu thụ và phát triển thị trường để tối đa hóa lợi ích và tạo văn hóa nông nghiệp thuận thiên cho bà con”, TS Nguyễn Văn Kiền nói.

TS Nguyễn Văn Kiền cho rằng, việc triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đồng nghĩa hướng đến sản xuất lúa hữu cơ bằng cách áp dụng kỹ thuật sản xuất như IPM, tưới ướt - khô xen kẽ, “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”.

Nếu thực hiện đồng loạt, tối ưu các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ trên toàn bộ diện tích 1,9 triệu ha lúa của vùng ĐBSCL đến năm 2030, sẽ giảm phát thải gần 11 triệu tấn CO2 mỗi năm. Việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ cho các hình thức khác sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải khí nhà kính so với việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Ngoài ra, ĐBSCL có thể giảm 12 - 23 tấn CO2 bằng việc thúc đẩy canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hành nông nghiệp tốt, thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Tuấn Kiệt