Chủ tịch UBND TP Hà Nội thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:22, 08/09/2024
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3
Sáng 8/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, kiểm tra hiện trường việc khắc phục hậu quả mưa bão, cây đổ ở phố Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, bão số 3 đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề. Riêng cây xanh, theo thống kê sơ bộ đã có hơn 17.000 cây gẫy đổ.
Chủ tịch UBND TP cho biết, đã chỉ đạo và tất cả các Phó Chủ tịch UBND TP theo địa bàn phụ trách đều đã xuống hiện trường để kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa bão.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện ưu tiên số 1 là nhanh chóng khôi phục giao thông. “Trong ngày hôm nay, Chủ nhật phải khôi phục hệ thống giao thông để thứ 2 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường”- Chủ tịch UBND TP chỉ đạo rõ.
Với những cây xanh gẫy đổ, Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Cùng đó, ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; khẩn trương khôi phục mạng lưới trung thế để phục vụ việc bơm tiêu, thoát nước…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nhanh chóng kiểm tra, rà soát địa bàn của mình kèm với việc có giải pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.
Từ chiều ngày 06/9/2024, thành phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện dông lốc và mưa trên diện rộng đã gây thiệt hại về người và tài sản. Sáng ngày 07/9/2024, trên địa bàn Thành phố xuất hiện mưa to trên diện rộng. Đặc biệt, tối và đêm ngày 07/9/2024, thời điểm tâm bão đi qua, đã gây ra mưa to và dông lốc, gió cấp 7, giật cấp 9 làm gãy đổ nhiều cây xanh, mất điện ở một số huyện, ngập úng cục bộ,…
Tính đến 7h sáng ngày 08/9/2024, các thiệt hại ghi nhận gồm 03 người chết và 11 người bị thương do cây đổ. Thành phố thiệt hại chủ yếu là cây xanh, đổ gãy khoảng hơn 2.000 cây, thiệt hại 14.400 cây xanh đô thị, còn toàn địa bàn thành phố ảnh hưởng khoảng 17.000 cây, ảnh hưởng đến giao thông, làm hư hỏng một số phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng.
Khu vực nội thành gần như không mất điện. Khu vực ngoại thành sự cố cột gãy đổ gây mất điện diện rộng ở các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên; Thường Tín; Thanh Trì. Do mưa lớn, tập trung, đã xuất hiện khoảng 20 điểm úng ngập khu vực đô thị lúc 00h ngày 08/9. Hà Nội bị ngập 52 ha lúa và 159 ha rau màu; thiệt hại khoảng 10,3 ha cây ăn quả bị. Ngoài ra còn có một số sự cố do dông lốc như tốc mái, sập đổ tường bao, sập đổ nhà, sạt bờ kênh.
Trong sáng nay, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng đã chỉ đạo các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội theo địa bàn được phân công, trực tiếp xuống các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Đồng thời yêu cầu các Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, đảm bảo giao thông, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân ổn định sớm nhất. Đặc biệt là việc xử lý giải tỏa cây đổ, cành gãy; khơi thông các điểm úng ngập cục bộ; xử lý sự cố điện, kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập ngoại thành; buộc dựng, cứu lúa đối với diện tích lúa bị đổ; tổ chức tổng vệ sinh, dọn dẹp vệ sinh môi trường…; kịp thời đảm bảo vật tư y tế, lương thực thực phẩm và các điều kiện cần thiết để hỗ trợ người dân trên địa bàn.