Những thách thức trong xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn - (Bài 1): Các đô thị lớn trong "cơn khủng hoảng" ô nhiễm không khí
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:03, 09/09/2024
“Chẳng biết là sương hay bụi”
Chắc hẳn người dân sống tại nội thành Hà Nội đã quá quen với bầu không khí lúc nào cũng như làn sương mờ. Bất kể ngày hay đêm, người dân Thủ đô phải sống chung với ô nhiễm không khí. Dữ liệu quan trắc cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội đo được trên các ứng dụng quan trắc liên tục xuất hiện chỉ số AQI cao liên tục với các màu da cam, đỏ, tím thậm chí là nâu. Đáng nói, ở một số thời điểm, Hà Nội còn bị xếp vào Top 1, Top 2, Top 3 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Ô nhiễm không khí nặng đến mức, người dân có thể cảm nhận bằng đa giác quan. Sống trên tầng 21 của tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), chị Hoàng Thị Trang cho biết, chị gần như không dám mở cửa vào mỗi buổi sáng sớm, ngay cả khi đang ở giữa hè. Nhiều lần mở cửa để đón nắng, chị thất vọng trước một bầu không khí đặc quánh, hít vào cảm giác ngột ngạt và rất khó chịu.
Đó là bầu không khí ngoài trời còn bên trong nhà dù có đóng cửa kín nhưng chỉ cần vài ngày không vệ sinh là có thể nhìn thấy lớp bụi phủ tràn trên mặt bàn, ghế, tủ…
Đó là những ngày nắng ráo, vào những ngày nồm ẩm thì người dân tại Thủ đô lại càng “ngán ngẩm” với câu chuyện ô nhiễm không khí. Anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) chia sẻ, con trai 3 tuổi của anh thường xuyên phải nhập viện vì viêm đường hô hấp.
Anh Sơn cho biết, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội kém đến mức anh lo ngại về sức khỏe của các con và cha mẹ đã lớn tuổi. Vào thời điểm nắng ráo thì tình trạng viêm phế quản của con anh chỉ giảm đi chứ không hết. Anh cảm thấy "nơm nớp" khi các con phải hít thở bầu không khí đầy khói bụi mỗi khi đến trường, vui chơi hay hoạt động ngoài trời.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng “kém cạnh” về mức độ ô nhiễm không khí. Từ sáng sớm đến tận trưa, đi trên các tuyến đường, người dân Thành phố Hồ Chí Minh dễ dàng cảm nhận một “Hà Nội thu nhỏ” với bầu không khí được bao phủ trong một lớp sương mù đặc quánh.
Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm, thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh công bố với tên gọi “mù quang hóa”. Đây là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.
Các thành phố lớn thường trực phải đối mặt với tình trạng mù mịt khói bụi, lượng xe cộ rồi dân sinh quá lớn khiến tất cả hòa vào một bầu không khí đầy ô nhiễm. Dù biết là vậy nhưng suốt thời gian dài, người dân tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn biết “sống chung với lũ” hay “tặc lưỡi cho qua” vì có than thở cũng chưa biết giải quyết thế nào. Trên thực tế, với bụi PM2.5 - loại bụi được coi là "tử thần" thì dù có trang bị nhiều lớp khẩu trang, bụi này trong không khí vẫn có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Liên tục cảnh báo “đỏ”, thậm chí là “nâu”
Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa được Bộ Chính trị ban hành nêu rõ, ô nhiễm không khí vẫn còn xảy ra tại một số đô thị lớn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố đang là vấn đề cấp bách. Theo đó, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.
Chất lượng không khí ở Hà Nội còn có sự khác biệt giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, tại một số khu vực đặt trạm quan trắc như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), Thành Công (quận Ba Đình), Chi cục BVMT (quận Cầu Giấy)… Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở ngưỡng từ 101 (mức kém) đến dưới 200 (mức xấu), một số ngày vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), gây hại cho sức khỏe. Mùa mưa, chỉ số AQI được cải thiện theo hướng tốt hơn.
Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, trong tháng 3/2024, Hà Nội thường xuyên chịu tác động của bụi mịn ở mức độ cao. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có lúc đã vượt quá 300 (cảnh báo đỏ đậm) và nhiều khu vực ở mức trên 200 (cảnh báo tím), gần như ngày nào chất lượng không khí tại Hà Nội trong thời gian này cũng ở mức xấu (không tốt cho sức khỏe), có ngày còn ở mức rất xấu.
Điển hình vào ngày 21/3, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AIQ là 173. Ngày 22/3, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách với chỉ số là 166. Trước thời điểm trên, Hà Nội cũng thường xuyên đứng thứ 2, 3 có những ngày liên tiếp đứng thứ 1 trong danh sách này.
Đặc biệt, trong sáng ngày 5/3/2024, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí ở mức rất xấu (cảnh báo màu tím), chỉ số AIQ là 241. Bầu trời thủ đô mù mịt, tầm nhìn xa hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tham gia giao thông của người dân.
Nguy hiểm hơn là cùng trong ngày 5/3/2024, ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm Pam Air, điểm đo tại Vườn Dâu - Trâu Quỳ (Gia Lâm) có chỉ số ô nhiễm 429 - đây là chỉ số ở ngưỡng nâu, gần mức kịch khung trong bảng chỉ số ô nhiễm là 500. Ngoài ra, nhiều điểm đo khác có chỉ số ô nhiễm cao là Đội Cấn (Ba Đình) với AQI 254, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) có chỉ số AQI 243, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) có chỉ số AQI 296.
Với mức độ chỉ số ô nhiễm sát mức kịch khung, có lẽ chúng ta không phải bàn cãi nhiều về nồng độ bụi mịn. Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. PM2.5 trung bình năm của TP. Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của WHO.
Tuy nhiên con số này không đáng kể so với thời điểm tháng 3/2024. Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí được thu thập từ 18 trạm kiểm soát không khí với chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Như vậy chỉ tính riêng tháng 3/2024, nồng độ bụi mịn đã cao gấp 3 lần trung bình hàng năm. Điều này cho thấy sự gia tăng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hóa môi trường, TP. Hà Nội bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) và bụi PM 10 (dưới 10 micron). NO2 và O3 - các chất kích ứng tổn hại đường hô hấp, có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.
Hà Nội liên tục ở trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, tức là ngay cả cuối tuần, khi lượng xe tham gia giao thông giảm, chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn không được cải thiện nhiều.
Không chỉ riêng tại Hà Nội, thực trạng ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng đang là vấn đề đáng báo động. Chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM hiện đang ở mức trung bình. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại thành phố đều vượt ngưỡng cho phép.
Theo IQAIR, chỉ số AQI tại TP.HCM cho biết lượng bụi mịn PM2.5 của thành phố hiện cao gấp 4.2 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thống kê cho thấy, hằng năm TP.HCM có gần 1.400 người tử vong vì các chất gây ô nhiễm không khí.
Các trạm quan trắc bụi tại TP.HCM từ năm 2021 đến nay đều ghi nhận lượng bụi mịn (PM2.5) vượt ngưỡng thông thường. Kết quả quan trắc giai đoạn 2021-2022 về bụi PM2.5 có khoảng 9,4% số liệu vượt các tiêu chuẩn cho phép (theo QCVN05:2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường), những thời điểm bụi mịn tăng cao này chủ yếu vào mùa khô tại các nút giao thông.
Giai đoạn năm 2022-2023, hầu hết các nút giao thông có quan trắc đều có số liệu bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, 3/7 vị trí quan trắc tại các khu dân cư có mẫu không khí có lượng bụi vượt tiêu chuẩn thông thường. Bụi mịn PM2,5 trong không khí vẫn duy trì 9,4% số liệu vượt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, nồng độ PM2.5 trong không khí có xu hướng đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian từ thời điểm cuối năm kéo dài đến tháng 3 năm sau, tức vào mùa khô.
Sở này cũng nhận định các nguồn gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM là từ các phương tiện giao thông, các công trường xây dựng và việc chuyên chở vật liệu, chất thải xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp (khí thải) và các hoạt động nông nghiệp (đốt rác, đốt đồng…).
Trong đó, các hoạt động giao thông đường bộ được xem là nguồn chính gây ô nhiễm không khí (phát thải 44,8% lượng PM2.2).
Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ đâu?
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không khí tại các đô thị lớn và một số đô thị phát triển công nghiệp tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm ở một số thời điểm trong năm, trong đó ô nhiễm bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Nồng độ thông số bụi (PM2.5, PM10 và TSP) tại một số khu vực ở ngưỡng cao, nhất là tại các trục giao thông, tuyến đường chính hoặc khu vực khu công nghiệp ở các đô thị lớn.
Ngay như tại TP. Hà Nội, mật độ dân cư lên 9 triệu người, 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, hơn 600.000 ô tô... Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Ðại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy: Các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110 nghìn tấn khí CO2, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng tại nhiều khu vực.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: Hiện nay, các thành phố lớn phải hứng chịu rất nhiều nguồn khí thải độc ra không khí. Trong đó, giao thông đô thị và khí thải từ phương tiện cá nhân là chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.
Điều này cũng được các nghiên cứu chỉ rõ, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất với tỉ lệ lên tới 58% - 74%.
Hiện nay, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Khi các phương tiện này sử dụng nhiên liệu hóa thạch để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và những người dân sinh sống dọc các tuyến đường giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ.
Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn. Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, chất lượng của các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Các phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng, hệ thống phun xăng sẽ bị hở khiến xăng có nguy cơ dễ bốc cháy cao. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzen trong ống xả. Do đó, nhiều phương tiện đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng kỹ thuật thấp, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao.
Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Vì vậy, với mật độ các loại phương tiện giao thông cao, chất lượng các loại phương tiện giao thông kém và hệ thống đường giao thông chưa tốt khiến cho thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải đang có xu hướng gia tăng.
Đứng thứ hai về nguồn cơn gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn phải kể đến vấn đề xây dựng. Hàng năm ở nước ta xây dựng hàng chục triệu m2 diện tích nhà ở mới, hàng trăm km đường bộ, hàng chục chiếc cầu trung bình và lớn. Hàng nghìn các công trường xây dựng hoạt động gây ra ô nhiễm không không khí xung quanh. Quá trình đô thị hóa nhanh sẽ gây áp lực lớn về ô nhiễm môi trường, tác động đến an ninh và xã hội.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang trong quá trình phát triển, xây dựng mới và cải tạo hệ thống hạ tầng do đó các công trình xây dựng mọc lên như “nấm” sau mưa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Quan sát tại các khu vực trong khu vực nội thành Hà Nội, người dân vẫn hay than “cứ 3 mét lại có 1 tòa nhà đang xây”. Các công trình này dù đã được che chắn nhưng cũng chẳng “nhằm nhò” gì so với số lượng bụi mà chúng thải ra môi trường. Chưa kể đến quá trình vận chuyển, lưu thông vật liệu xây dựng không được quản lý chặt chẽ khiến đá dăm rơi vãi, đường phố lúc nào cũng ngột ngạt khói bụi. Đặc biệt phải kể đến quá trình tháo dỡ, phá hủy các công trình cũ, khói bụi ngập trời mà chẳng có tường bao hay “chiếc túi khổng lồ” nào có thể chứa hết được số bụi diện rộng như vậy.
Mỗi năm môi trường không khí thành phố phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công.
Cùng với giao thông và xây dựng thì hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cũng là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường không khí. Vấn nạn ô nhiễm từ các công xưởng, nhà máy đã gây “nhức nhối” trong suốt nhiều năm. Khói bụi từ các ống xả của nhà máy, xí nghiệp trong những khu công nghiệp làm đen ngòm một khoảng trời. Chúng thải ra các khí CO2, CO, SO2, NOx cùng một số chất hữu cơ khác, với nồng độ cực cao.
Những khu công nghiệp này không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cho các “làng ung thư” được hình thành.
Ngành công nghiệp có thể coi là tổ hợp chuỗi các hoạt động gây ô nhiễm không khí, bao gồm: khai thác than, khai thác dầu khí, công nghiệp cơ khí, công nghiệp luyện kim…. Hoạt động của ngành công nghiệp tăng cao sẽ kéo theo việc tăng chất thải vào môi trường khí. Khi lượng chất thải đủ nhiều để phá vỡ chu trình cân bằng vật chất của môi trường, làm cho môi trường bị ô nhiễm.
Lấy một ví dụ điển hình đó là ngành công nghiệp luyện kim, có nhiều lò luyện thép dùng hồ quang điện ở cả miền Nam và miền Bắc. Khi hoạt động, lò luyện thường làm ô nhiễm khu xung quanh vì khói bụi của quá trình sản xuất. Trong khí thải của lò, lượng CO cho tới 15% – 20% (thể tích); H2 chiếm 0.5% – 35%. Tải lượng bụi trung bình tính theo thành phẩm là 6-9Kg/tấn thép hay 3~10g/m3 khí thải. Thành phần chủ yếu của bụi là oxít sắt, ngoài ra còn có oxít măng gan, canxi, ma nhê… Đây đang là nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhất ở các khu công nghiệp, chưa kể tới trong các nhà máy này còn có các lò nung đốt dầu FO thải ra môi trường các loại khí độc hại đặc trưng.
Đây chỉ là một minh chứng rất hạn chế trong tác động của sản xuất công nghiệp đối với không khí. Theo đó, tại các khu vực sản xuất công nghiệp, vấn đề nổi cộm hiện nay cũng là ô nhiễm bụi như: Nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP) tại nhiều điểm quan trắc chung quanh các khu công nghiệp vượt ngưỡng quy định, thậm chí vượt gấp nhiều lần giới hạn trung bình 24 giờ và trung bình năm của QCVN 05:2013/BTNMT.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 9 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 1.670,6 ha; 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4 ha. Thành phố Hồ Chí Minh có tới có 19 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.546ha. Với số lượng khu công nghiệp lớn như vậy nằm trọn trong một khu vực thì không khó để lý giải tại sao các thành phố lớn lại ô nhiễm trầm trọng đến vậy.
Tuy nhiên, nồng độ TSP, bụi PM2.5, PM10 chung quanh các khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc cao hơn so với tại miền trung và phía nam, do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghiệp, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau. Các chất ô nhiễm trong không khí chung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp có sự khác nhau giữa các vùng, miền, do sự phân bố của các loại hình sản xuất, giá trị nồng độ SO2, NO2 chung quanh các khu công nghiệp khá thấp, cơ bản không vượt ngưỡng của QCVN 05-MT:2013/BTNMT.
Ngoài ra, tại các thành phố lớn còn có hàng chục nghìn các làng nghề lớn nhỏ hoạt động nhộn nhịp quanh năm. Cho đến nay, ô nhiễm không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát. Công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than đá chất lượng thấp, vì vậy, chất lượng không khí tại các khu vực này trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn. Nhất là tại các làng nghề tái chế kim loại, nhựa, vật liệu xây dựng…
Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng ngoại thành thường đốt rác thải sinh hoạt theo kiểu tự nhiên hoặc bằng các lò đốt công suất nhỏ, nhiệt độ đốt không đủ cao để đốt cháy vô cơ hóa các hóa chất độc hại, tác hại rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, thời vụ thu hoạch nông nghiệp, chất lượng không khí tại một số địa phương có xu hướng suy giảm. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là do hiện tượng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa, khiến cho nồng độ bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại từ 21 giờ đến 01 giờ sáng hôm sau, vượt trị số tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 5 lần.
Dữ liệu từ Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh GreenID cũng chỉ ra, nguồn bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và sản xuất công nghiệp. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội chỉ sau New Delhi (Ấn Độ), là nơi ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới với nồng độ bụi PM2.5 lên tới 124 µg/m3 không khí. Đối với khu vực nông thôn, mức độ ô nhiễm chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất của các làng nghề, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ, rác thải và đun nấu.
Chỉ ra nguyên nhân ô nhiễm không khí, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: Ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm từ công nghiệp, ô nhiễm từ giao thông, ô nhiễm từ sinh hoạt... Ô nhiễm không khí đang diễn ra trên cả nước đòi hỏi một chính sách cụ thể để cải thiện vấn đề này. Ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình”, bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại.
Cơ chế đầy đủ và rõ ràng nhưng…
Ô nhiễm môi trường không khí trở thành vấn đề nghiêm trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó với tình trạng này, Việt Nam đã có những chính sách và giải pháp tích cực để cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Hiện nay, hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường không khí (BVMTKK) được quy định chủ yếu trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Luật này đã xây dựng riêng tại Mục 2 về “Bảo vệ môi trường không khí” với 3 Điều (Điều 12, 13, 14) thuộc Chương II; Mục 6 về “quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác” với 2 Điều (Điều 88, 89) thuộc Chương VI. Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung các điều khoản quy định về BVMT không khí. Đặc biệt, Luật đã có các quy định về BVMT đối với những ngành có hoạt động gây ô nhiễm môi trường không khí cao như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp... Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc “thực hiện các biện pháp khẩn cấp” trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Luật BVMT năm 2020 nêu rõ, nếu môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Đối với phạm vi trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Song song với các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến môi trường không khí cũng đang tiếp tục được rà soát, bổ sung và ban hành mới. Đó là các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí xung quanh, khí thải phương tiện giao thông và các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải công nghiệp.
Đối với thủ đô Hà Nội, Bộ TN&MT cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí áp dụng riêng. Trong đó, có quy chuẩn về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ cùng quy chuẩn về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng, nhằm thắt chặt quy định về xả thải khí thải công nghiệp.
Đối với các văn bản dưới Luật, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT cũng đề cập tới quy định về nội dung kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về BVMTKK và các văn bản liên quan. Theo đó, pháp luật BVMT bao gồm nhiều chế định liên quan đến phòng ngừa, khắc phục, ứng phó và xử lý hành vi vi phạm pháp luật BVMT,…
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2017, Việt Nam cũng đã chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với phương tiện giao thông. Ngoài ra, tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 tầm nhìn 2025; Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025…
Như vậy, có thể đánh giá rằng cho đến nay, Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện hơn các quy định về môi trường không khí, được thể hiện rõ qua việc sửa đổi, điều chỉnh và ban hành các quy định mang tính chuyên sâu và phổ cập hơn. Điều này là vô cùng cần thiết bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường không khí trong bối cảnh hiện nay.
Qua các phân tích nêu trên có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại Việt Nam hiện nay về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu cần thiết để có thể sử dụng nhằm phục vụ cho việc bảo vệ môi trường không khí một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này cũng tồn tại không ít những hạn chế, bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện. Nghiên cứu “Thực trạng pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và kiến nghị hoàn thiện” của Thạc sĩ Trần Linh Huân công bố năm 2022 đã chỉ ra nhiều khía cạnh đó.
Một là, quy chuẩn chất lượng môi trường không khí xung quanh hiện nay còn thiếu, chưa bảo đảm. Các quy chuẩn này có một số nội dung cơ bản quy định về giá trị giới hạn các thông số cơ bản của các loại bụi, bẩn trong không khí xung quanh, nồng độ cho phép tối đa của một số chất độc hại trong không khí. Qua đó đánh giá về chất lượng môi trường không khí xung quanh và theo dõi, giám sát tình trạng ô nhiễm không khí xung quanh, nhất là tại các khu đô thị và thành phố lớn ở Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ở Việt Nam, hiện trạng môi trường không khí trong nhà đang ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, trước khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 có hiệu lực, chúng ta chưa có quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí trong nhà hay khuyến cáo chính thống liên quan đến môi trường không khí trong nhà nên việc đánh giá và kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì đã bước đầu quy định về quan trắc môi trường không khí trong nhà, nhưng cho đến thời điểm này Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về vấn đề môi trường không khí trong nhà. Bên cạnh đó, các quy định về quan trắc môi trường không khí trong nhà hiện nay mới chỉ dừng ở mức độ rất khái quát.
Hai là, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải còn nhiều vấn đề bất cập. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy chuẩn về khí thải gồm nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định. Nguồn thải di động là nguồn thải từ các phương tiện giao thông và nguồn thải cố định là từ các nhà máy, xí nghiệp… gây ra. Đánh giá tổng thể các quy định pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí Việt Nam cho thấy, đa số quy chuẩn được ban hành đã khá lâu cách đây khoảng 8 đến 10 năm nên nhiều yêu cầu về môi trường không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Các quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí của Việt Nam hiện hành còn lạc hậu và có nhiều yêu cầu phát thải rất thấp so với các nước trong khu vực cũng như quốc tế. Việc dịch chuyển áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí của khu vực và thế giới vào Việt Nam thể hiện sự máy móc và thiếu đồng bộ, trong khi thực tế quy chuẩn môi trường không khí cần phải xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Hơn nữa, pháp luật môi trường hiện hành chưa có quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với mùi. Số lượng quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí còn chưa đầy đủ, các quy chuẩn được xây dựng còn mang tính chắp vá, thiếu tính hệ thống. Đặc biệt còn thiếu quy chuẩn môi trường không khí với từng khu vực có đặc trưng riêng, như quy chuẩn môi trường không khí trong nhà; quy chuẩn môi trường không khí đối với lĩnh vực nông nghiệp…
Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có quy định về tổng lượng thải. Quy định về tổng lượng thải là chỉ tiêu rất quan trọng trong các quy chuẩn về khí thải, là cơ sở để nghiên cứu dự báo mức độ, khả năng xảy ra ô nhiễm môi trường không khí ở từng nơi cụ thể, đồng thời chỉ tiêu về tổng lượng thải sẽ là cơ sở để tính các loại thuế, phí môi trường cho các cơ sở có khí thải đưa vào môi trường, là cơ sở để phát triển thị trường mua bán quyền phát thải. Ngoài ra, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về thời điểm xả thải cũng như không gian áp dụng, điều này là bất hợp lý vì mỗi vùng, mỗi khu công nghiệp, khu đô thị... có các điều kiện về môi trường cũng như yêu cầu về chất lượng môi trường không khí khác nhau. Quy định về thời điểm xả thải có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích các đối tượng có hoạt động thải, tránh xả thải vào các giờ cao điểm dễ gây quá tải cho nguồn tiếp nhận.
Ba là, quy định về khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí chưa thật sự đạt hiệu quả. Để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí được hiệu quả, các quốc gia cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Ở Việt Nam, do tầm quan trọng của việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí nên những năm vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cũng như các quy định pháp luật về vấn đề này. Nhưng thực tế cho thấy, để được hưởng một số chính sách này là không hề dễ dàng. Do vậy, tổ chức, cá nhân trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và hiệu quả thực hiện một số chính sách còn chưa cao.
Như vậy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động này cũng còn tồn tại không ít vấn đề hạn chế, bất cập, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường không khí.
Về vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, việc ô nhiễm không khí đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo của địa phương, các bộ ban ngành cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng có nhiều hành động để cải thiện vẫn đề này nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. “Qua Luật bảo vệ môi trường chúng ta cần có một tinh thần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Quan trọng cấp thiết nhất là cần nắm rõ các nguồn gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm để từ đó có chính sách cụ thể”, ông Tùng cho biết.
Mặc dù biết câu chuyện giải quyết ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn là không hề đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện về cả “gốc lẫn ngọn” của vấn đề để tìm ra cho được phương án, giải pháp cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.