Thái Bình: Ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 2.000 tỷ đồng

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 12:30, 09/09/2024

Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng từ cơn bão số 3 hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền nhưng có nhiều nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc la liệt.
Môi trường đô thị

Thái Bình: Ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 2.000 tỷ đồng

Thanh Thanh 09/09/2024 12:30

Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng từ cơn bão số 3 hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền nhưng có nhiều nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc la liệt.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có tổng số 995 tàu, thuyền đã được neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh an toàn trước khi bão đổ bộ vào.

Toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản ven biển ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Tất cả số lao động trên đã di dời vào nơi an toàn trước 12 giờ ngày 6/9.

Thái Bình có 7.731 hộ với 18.639 người sống trong các ngôi nhà yếu. Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác di dời, sơ tán người dân đến các khu vực kiên cố đảm bảo an toàn trước 12 giờ ngày 6/9.

thai-binh.jpg
Thái Bình thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng do bão số 3 gây ra

Về tình hình lồng bè trên sông, cửa sông, các lồng bè đã được gia cố thêm các neo, dây buộc, bổ sung dây thép vào phao bè để chủ động ứng phó với bão.

Toàn tỉnh có 37 trọng điểm xung yếu đê, kè và cống (3 trọng điểm cấp tỉnh và 34 trọng điểm cấp huyện), trong đó có 8 trọng điểm trên các tuyến đê cửa sông và đê biển; các trọng điểm đã được lập, phê duyệt phương án bảo vệ và giao cho các địa phương chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai xử lý khi có lệnh yêu cầu hoặc khi có sự cố xảy ra.

TP Thái Bình đã mở các cống tiêu nước, huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm cưỡng bức, kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng. Thái Bình cũng ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước. Công tác vận hành trạm bơm đã tiến hành từ 2 giờ ngày 8/9.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra dọn dẹp cây đổ, rà soát toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn, khắc phục ngay các điểm ách tắc, ngập lụt (do mưa lớn, cây đổ, sạt lở,...) để đảm bảo giao thông thông suốt sớm nhất ngay sau bão; khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực, đảm bảo giao thông, điện, nước, viễn thông, môi trường với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm, song phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão; sớm đưa các hoạt động của doanh nghiệp, người dân trở lại bình thường.

Rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản, chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Có phương án để kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục và phát triển sản xuất; kiểm tra, rà soát, khắc phục sớm nhất hệ thống thông tin liên lạc, internet, đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân ngay sau bão. Tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, khắc phục hậu quả cơn bão.

Tỉnh Thái Bình hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền. Hiện có một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều.

Về hệ thống điện, sơ bộ theo thống kê ban đầu có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố.

Về sản xuất nông nghiệp, có 28.000 ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%; 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%. Về Rau màu vụ Đông mới trồng và rau màu Hè thu chưa thu hoạch, có 585 ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 2.760 bị ảnh hưởng trên 70%. Cây ăn quả có 1.215 ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 170 bị ảnh hưởng trên 70%. Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha. Tình hình công trình đê điều, sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng.

Tỉnh Thái Bình cho biết tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, tỉnh Thái Bình đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thiệt hại sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: với tổng kinh phí 123 tỷ đồng.

Đồng thời hỗ trợ phục hồi sản xuất: giống cây trồng các loại bao gồm 100 tấn ngô, 250 tấn đậu tương, 500 tấn lạc, 5.000 tấn khoai tây và 20 tấn rau màu các loại.

Hỗ trợ khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi: với tổng kinh phí 850 tỷ đồng. Khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển: Xây dựng tuyến kè bảo vệ chống sạt lở với tổng kinh phí 250 tỷ đồng. Khắc phục sạt lở các tuyến kè với tổng kinh phí 250 tỷ đồng.

Thanh Thanh