Quảng Ninh: Nhường 100 tỉ tiền hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nhà hàng tổ chức phát cơm miễn phí
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 17:27, 09/09/2024
Ngay sau khi bão số 3 qua đi, nhiều địa phương tại Quảng Ninh tiếp tục phải hứng chịu lũ lụt. Tại huyện Ba Chẽ, nhiều tuyến đường bị ngập do lũ đang về. Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân các khu vực bị ngập.
Tại Tiên Yên, do lũ trên sông Tiên Yên đang biến đổi nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và lưu lượng lũ thượng nguồn nên từ rạng sáng nay đến 13 giờ ngày 9/9, trên sông Tiên Yên đã xuất hiện đợt lũ rất lớn. Hồi 11 giờ ngày 9/9, tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên, mực nước lũ đo được ở mức 81,67m, trên mức báo động 3 là 0,17m.
Nước lũ trên sông Tiên Yên gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường, nhiều nhà dân tại các khu dân cư và hàng trăm ha hoa màu.
Theo người dân tại ngõ 2, thôn Hà Tràng Tây, xã Đông Hải, khoảng 6h sáng nay lũ dâng cao đổ về nhanh, tràn đập Hà Thanh khiến hàng chục hộ dân, hàng trăm ha lúa; đồ dùng sinh hoạt trong các gia đình đều bị ngập trong nước.
Khu vực cửa khẩu Hoành Mô nằm trên địa bàn xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu cũng trong tình trạng ngập nước do lũ trên sông Bình Liêu đang rất lớn.
Được biết đập Hà Thanh, xã Đông Hải được xây dựng từ khoảng những năm đầu 90 thế kỷ trước, mặc dù đã được gia cố vài lần xong đập đã xuống cấp nghiêm trọng. Đập Hà Thanh có chiều dài gần 1.000m có nhiệm vụ bảo vụ gần 200 hộ dân với gần 700 nhân khẩu. Hiện nay, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Tiên Yên đã chỉ đạo xã Đông Hải theo dõi chặt chẽ nước sông trên đập Hà Thanh, đồng thời kích hoạt phương án di dân đến các điểm an toàn đảm bảo về người và tài sản cho nhân dân.
Tại thị xã Đông Triều, nơi có 19 hồ nước trên địa bàn thì 2/19 hồ có mực nước bằng tràn; 4 hồ có mực nước thấp hơn cao trình ngưỡng tràn 5-64cm; 13/19 hồ có mực nước tràn từ 5-40cm. Hiện một số tuyến kênh, đoạn kênh bị đổ. Các lực lượng chức năng đang tập trung đảm bảo an toàn các hồ, đê.
Mực nước tại các trạm bơm tiêu nước trong bể hút cao hơn mực nước phải bơm từ 10-80 cm như: Trạm bơm tiêu Đạm Thủy, Việt Dân, Hồng Phong, Kim Sơn, Đức Chính... hiện mất điện nên không vận hành được tiêu nước tưới đệm.
Tại một số đê như Đê Sông Nguyễn, khu vực phường Hưng Đạo và phường Đức Chính, lực lượng dân quân đang sử dụng bao cát, rọ đá, ngăn nước, đảm bảo an toàn.
Một số khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt như phường Xuân Sơn 17/17 hộ nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt hoàn toàn; phường Hồng Thái Đông 38 hộ nuôi trồng thủy sản ngập lụt, thiệt hại 43 ha nuôi trồng thủy sản; phường Hoàng Quế thiệt hại 30 ha nuôi trồng thủy sản; phường Tràng An cũng mất trắng 4,5 ha nuôi trồng thủy sản… Toàn bộ người dân khu vực nuôi trồng thủy sản đã được di dời đến nơi an toàn.
Một số khu vực tại xã Bình Khê bị ngập sâu: Tràn Nông Trường mực nước cao hơn 2m so với mặt đường; điểm Miếu Hương vào thôn Quán Vuông bị cô lập; Tràn Phú Ninh không qua được thôn Bến Vuông và Tràng Lương. Thị xã đã huy động 112 lực lượng quân sự, công an sơ tán 100 hộ dân thôn Trại Mới A, Trại Mới B và Bến Vuông ra khỏi vùng bị chia cắt, đổ cột điện 110 KV tại thôn Bến Vuông. Đến nay nước đã rút, cơ bản an toàn.
Thống kê ban đầu cho thấy tính đến ngày 9/9, tổng số cột điện trên địa bàn thị xã Đông Triều bị đổ gãy là 664 cột; 9.389 nhà bị tốc mái; 65.894 cây bị đổ gãy; 586 ha hoa màu và 1.412 ha lúa bị thiệt hại… Không có thiệt hại về người. Các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại lớn, tuy nhiên chưa có thống kê đầy đủ.
Hiện lực lượng chức năng thị xã đang tiếp tục khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 với phương châm 4 tại chỗ và chủ động các tình huốn có trên địa bàn.
Tại thành phố Hạ Long, mưa lớn gây ngập úng sâu tại một số tuyến đường. Nhằm chia sẻ với bà con tại Hạ Long, một số nhà hàng đã quyết định trao tặng suất cơm miễn phí. Điển hình như nhà hàng Bống Bang ở 22 Phan Chu Trinh, phường Bãi Cháy đã tổ chức chương trình bữa cơm “không đồng” gửi đến người dân tại Hạ Long. Ngay trong trưa nay, đã có gần 300 suất cơm miễn phí được chuyển tới tay người dân trên địa bàn. Khách nhận cơm đa số là người dân ở các tòa chung cư và khách du lịch mắc kẹt từ khi cơn bão số 3 đổ bộ, chưa kịp di chuyển về địa phương.
Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão Yagi nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết định nhường lại 100 tỉ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chia sẻ qua điện thoại về quyết định nhường 100 tỉ hỗ trợ cho nơi khác, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh cho rằng đây cũng là trách nhiệm của tỉnh chia sẻ khó khăn với ngân sách trung ương, chia sẻ với các địa phương khác khó khăn hơn Quảng Ninh, cũng đang phải chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa.
Về nguồn kinh phí khắc phục hậu quả do bão gây ra, bà Thanh cho biết tỉnh có thể cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng của ngân sách địa phương theo quy định chung. Hiện tại tỉnh chưa có dự trù trích bao nhiêu tiền từ ngân sách địa phương để khắc phục hậu quả sau bão vì "đến nay chưa thể thống kê được thiệt hại".
Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh, tính đến 12h ngày 8/9, tỉnh có 3 người chết và 157 người bị thương khi bão Yagi đổ bộ. Đến trưa 8/9, các lực lượng chức năng đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 27 người bị trôi dạt trên biển.
Về tài sản, theo thống kê bước đầu từ các địa phương của tỉnh có hơn 2.000 nhà bị tốc mái, 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ; có hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi, 336ha lúa bị ngập úng.
Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng, pano, biển quảng cáo bị gãy đổ.