Xử lý môi trường sau bão, lũ - Những điều cần lưu ý
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 07:30, 13/09/2024
Xử lý môi trường sau bão, lũ - Những điều cần lưu ý
Sau bão lũ là thời điểm mà người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng tại các tỉnh phải gánh chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Sau đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước. Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.
Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”.
* Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó
- Nước rút đến đâu các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, vì nếu không làm ngay thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
- Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.
- Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ để làm nơi trú ẩn cho muỗi.
- Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi (nếu không hỏng nặng). Trường hợp nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hỗ đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu. Thực hiện việc vệ sinh, thu gom và che chắn hố ủ phân, phân thải phát sinh trong chuồng trại chăn nuôi, hạn chế phân thải, nước thải chăn nuôi phát tán ra môi trường.
- Thực hiện xử lý xác súc vật chết theo quy trình và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y.
* Cách xử lý xác súc vật chết
- Tính toán lượng xác súc vật chết:
Khảo sát để ước tính số lượng xác súc vật chết cần xử lý.
- Vị trí chôn xác súc vật:
Tốt nhất là chôn ở ngoài đồng, xa các nguồn nước (ao, song, hồ… ) ít nhất 50 m. Có thể chôn xác súc vật ở trong vườn nhưng cần lưu ý là phải cách xa các giếng nước ít nhất 30 m và phải xử lý kỹ bằng hóa chất khử trùng tẩy uế.
- Đào hố chôn:
Đảm bảo xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8 m. Chuyển toàn bộ xác súc vật và hớt một lớp đất dày 10 cm chỗ xác súc vật nằm cho vào hố chôn. Đổ 2-3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hóa chất khử trùng, tẩy uế (Crezil, Cloramin…) nồng độ cao (có thể tới 100mg/l Cloramin 27%) rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.
- Khử trùng nơi có xác súc vật:
Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rắc vôi bột vào chỗ đó. Nếu không có vôi bột hay hóa chất khử trùng thì có thể tập trung rác (khô) vào chỗ đó và đốt.
- Kiểm tra nơi chôn súc vật:
Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.