Yên Bái: Đại dịch covid-19 khiến người trồng rừng lao đao
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:00, 21/04/2020
Tỉnh Yên Bái có 463.139,9 ha rừng, trong đó 217.537,1 ha rừng trồng, 245.602,8 ha rừng tự nhiên, có khoảng 30.000 hộ làm nghề trồng rừng, gần 500 cơ sở chế biến gỗ, mỗi năm XK 300.000m3 ván bóc, gỗ ghép thanh.
Đến cuối năm 2019 tổng diện tích rừng của Yên Bái là 463.139,9 ha, trong đó có 217.537,1 ha là rừng trồng: Keo, bồ đề, trám, mỡ, quế…, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đứng top đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.
Rừng trồng ở Yên Bái. Ảnh: Thái Sinh
Hàng năm Yn Bái khai thác hơn 550.000m3, chế biến xuất khẩu gần 300.000m3 ván bóc và hàng trăm mét khối gỗ dán, gỗ ghép thanh XK sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhưng từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới người trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng và XK.
Ông Vương Quốc Đạt – GĐ Cty Lâm nghiệp Thác Bà hiện đang trồng và kinh doanh gần 1.000ha rừng, một DN có “máu mặt” trong 5 DN trồng rừng còn lại của Yên Bái đã phải kêu trời: Từ đầu năm đến nay Cty mới chỉ khai thác được 5 ha, bởi không ai đến mua. Mọi năm dịp này các cơ sở chế biến gỗ đã đến đặt hàng tơi tới, còn năm nay chẳng mấy người đến hỏi…
Cty Lâm nghiệp Thác Bà mỗi năm khai thác từ 100-120 ha, thu nhập 7-8 tỷ, bình thường quý I khai thác 50 ha. Nhưng hết tháng 3 sang đầu tháng 4 rồi mới khai thác 10%. Thứ nhất là không có người mua, thứ hai giá rẻ, mỗi khối giảm 200.000đ/m3, thứ ba khách mua xin… chịu tiền. Thành ra, Cty thà để gỗ trên rừng để cây còn lớn, chứ bán chịu thì biết đến bao giờ mới đòi được tiền?
Vì thế, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là khi có Chỉ thị 16 của Chính phủ, Cty cho cán bộ văn phòng nghỉ, công nhân thì tập trung trồng rừng. Hiện nay Cty đã trồng được khoảng 50 ha bạch đàn bằng các giống: K3229, CT3 UP54.
Do không khai thác nên từ tháng hai đến nay Cty phải vay ngân hàng trên 500 triệu để tạm ứng lương cho công nhân và cán bộ.
Minh Nguyệt (T/h)