Hải Dương chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 17/09/2024

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương vừa có văn bản chỉ đạo các cấp chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão.
Biến đổi khí hậu

Hải Dương chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Thanh Thanh 17/09/2024 19:30

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương vừa có văn bản chỉ đạo các cấp chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão.

Theo đó, sáng 17/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, hiện trên vùng biển phía đông đảo Lu Dông (Philippin) đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới.

Dự báo, sáng 18/9 áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào biển Đông và mạnh lên thành bão số 4. Bão có quỹ đạo và diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với siêu bão Yagi (bão số 3) và có khả năng di chuyển hướng về khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hải Dương.

hai-duongg.jpg
Hải Dương chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể thành bão

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão tiếp tục có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh và tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo. Dự báo về áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, bản tin thời tiết để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động công tác phòng chống, ứng phó.

Cùng với đó, tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó với bão, mưa lũ đã thực hiện trong thời gian vừa qua để chủ động cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để chủ động triển khai ứng phó khi có tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Kiểm tra, đánh giá các sự cố đê điều, thủy lợi đã xử lý trong đợt bão, lũ vừa qua nếu chưa an toàn thì thực hiện ngay việc tu bổ, gia cố để bảo đảm an toàn chống bão, mưa lũ; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời khi có diễn biến mất an toàn.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi: Hải Dương, Bắc Hưng Hải tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã tổ chức việc bơm tiêu úng cho các diện tích bị úng ngập, chủ động hạ thấp mực nước đệm trong kênh để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn.

Các địa phương, đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, mưa lũ tiếp tục tổ chức công tác khắc phục hậu quả, đồng thời thống kê, tổng hợp, báo cáo và ước tính kinh phí thiệt hại do bão số 3 gây ra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra và Quyết định 268/QĐ-UBND ngày 20/1/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quy định công tác trực ban và chế độ báo cáo trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

hai-duong.jpg
Bão số 3 gây ra nhiều thiệt hại về hoa màu cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, tình hình thời tiết, thiên tai, báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã để chủ động trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tổ chức thường trực, trực ban và báo cáo theo quy định.

Từ 10 giờ ngày 17/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh rút lệnh báo động số II trên một số tuyến sông khu vực hạ lưu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn và các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê (đê cấp IV hữu Thái Bình, huyện Tứ Kỳ; đê khu vực Hà Đông, huyện Thanh Hà; tả Kinh Môn, thị xã Kinh Môn) theo cấp báo động số I. Theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình đê điều, đặc biệt là các kè, cống, đê sát sông, chân đê là đầm, ao, ruộng trũng để phát hiện xử lý kịp thời mọi hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi ngay từ giờ đầu. Kiểm tra, đánh giá các sự cố đê điều đã xử lý nếu chưa an toàn thì khắc phục để bảo đảm an toàn chống lũ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời khi có diễn biến mất an toàn.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi: Hải Dương, Bắc Hưng Hải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện liên quan tổ chức thực hiện nghiêm việc bơm tiêu úng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban và báo cáo theo quy định.

Thanh Thanh