Kon Tum chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 18/09/2024

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Thông báo số 6690/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp tại cuộc họp đánh giá tình hình thiên tai trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Biến đổi khí hậu

Kon Tum chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai

Thanh Thanh 18/09/2024 08:30

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Thông báo số 6690/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp tại cuộc họp đánh giá tình hình thiên tai trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng sẽ có từ 3 - 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Kon Tum và có thể gây mưa lớn, gió mạnh, tập trung vào các tháng 9 - 11/2024; đồng thời, khả năng sẽ xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100 - 250mm/đợt.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quét sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác, đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các Sở, ban ngành, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

kon-tum.jpg
Kon Tum chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai

Cùng với đó, rà soát, phân công cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, điều phối, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Sở NN&PTNT cần tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi; theo dõi tình hình thiên tai bão lũ, đôn đốc các ngành, địa phương liên quan triển khai công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh rà soát, bổ sung phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa; chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố thiên tai gây ra.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Viễn thông Kon Tum, Viettel Kon Tum theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường đưa tin về tình hình diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới; phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ năng phòng ngừa, các biện pháp phòng tránh mưa lũ, sạt lở đất; các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh; rà soát, triển khai đồng bộ các phương án bảo đảm thông tin liên lạc, ứng phó kịp thời và đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, lãnh đạo ứng phó thiên tai mưa lũ.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, thông tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác có thể xảy ra để các địa phương, đơn vị liên quan biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả; đồng thời cung cấp thông tin, phục vụ công tác ứng phó của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người dân.

UBND tỉnh cũng đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi chặt chẽ áp thấp nhiệt đới, diễn biến thiên tai; chủ động cảnh báo, thông báo đến Nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ; báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Các Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động bố trí thời gian trực tiếp xuống các đơn vị được phân công phụ trách, cùng chính quyền địa phương (huyện, xã) trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, mưa lũ trên địa bàn theo quy định.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động đôn đốc Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các huyện, thành phố, các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh chỉ đạo ứng phó thiên tai theo quy định.

Thanh Thanh