Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: Thảo luận sâu chủ đề về báo chí giải pháp

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 19:02, 21/09/2024

Chiều 21/9, Diễn đàn Tổng biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận.
Tin tức - Sự kiện

Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: Thảo luận sâu chủ đề về báo chí giải pháp

Minh Kiên {Ngày xuất bản}

Chiều 21/9, Diễn đàn Tổng biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ thẳng thắn, bàn luận nhiều vấn đề xoay quanh báo chí giải pháp; vai trò của báo chí giải pháp trong truyền thông chính sách; bài học từ việc thực hiện, triển khai thực tế báo chí giải pháp tại các cơ quan báo chí, góp phần định hình hình rõ hơn xu hướng báo chí giải pháp tại Việt Nam.

Mở đầu phiên thảo luận 1 "Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng", ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có bài thuyết trình Tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp.

lqm.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thuyết trình Tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm mất vị trí trung gian của báo chí. Rõ ràng, báo chí có nguy cơ mất đi cầu nối thông tin của độc giả. Với sự phát triển của công nghệ, nếu báo chí đứng yên sẽ bị sự phát triển của mạng xã hội lấn áp.

Theo ông Lê Quốc Minh, một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng, báo chí giải pháp. Theo đó, các cơ quan báo chí trong khi đưa tin cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng. Hiệu quả của báo chí xây dựng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; không bị coi là báo chí chất lượng thấp; thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả.

Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng


Ông Nguyễn Văn Bá - Tổng Biên tập Báo VietNamNet trình bày tham luận, làm rõ khái niệm báo chí giải pháp là phương pháp báo chí tập trung vào việc đưa tin về những giải pháp cụ thể, có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội. Khác với báo chí truyền thống, báo chí giải pháp tìm cách khám phá và phân tích những giải pháp khả thi, đã được thử nghiệm. Nó không né tránh các khía cạnh tiêu cực mà thay vào đó, đòi hỏi sự phân tích sâu sắc về các giải pháp.

“Phải thay đổi tư duy, tập trung vào các vấn đề tích cực, nhìn các vấn đề xảy ra dưới tính xây dựng, đưa ra giải pháp. Đồng thời, đặt ra vấn đề đa chiều, không bị lệch về một vấn đề nào cả”, ông Bá nhấn mạnh.

nb.jpg
Ông Nguyễn Bá – Tổng Biên tập báo VietNamNet.

Còn ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập Báo Văn Hóa cho rằng, để báo chí thực sự là báo chí giải pháp thì người làm báo cần phải có một tư duy đổi mới, tích cực, tuân thủ nghiêm túc quy trình tác nghiệp, phải chuyên sâu, khác biệt thì mới tạo ra sản phẩm báo chí giải pháp thực sự có giá trị.

av.jpg
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập báo Văn hoá.


Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, ở góc độ chuyên môn, với các cấp độ của thông tin là việc đưa tin – thông tin sâu, cung cấp thêm dữ liệu – phân tích, bình luận dự báo sự kiện, thì có thể tạm gọi báo chí giải pháp là cấp độ khó cao nhất, đòi hỏi trình độ chuyên môn làm báo rất cao, phông kiến thức phong phú và đa dạng, khả năng tổng hợp và xử lý nhuần nhuyễn, sắc sảo.

mh.jpg
Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Tuy vậy, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết, nếu tự nhìn vào khả năng sản xuất của các đơn vị báo chí thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam, cũng như mặt bằng thông tin hằng ngày trên báo chí nói chung, những tác phẩm báo chí được xếp vào báo chí giải pháp xuất hiện chưa nhiều, chưa có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng và thực sự có ích với công chúng. "Vì sao? Vì chuyển từ phong cách chạy theo tin tức thông thường sang tổ chức những sản phẩm báo chí chuyên sâu, chuyên biệt là rất khó, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau", ông Hùng nói.

Cụ thể, theo ông Phạm Mạnh Hùng: Một là, nhận thức của toà soạn, ban biên tập, tổng biên tập. Theo đó, bất kỳ một tổ chức nào vai trò của người đứng đầu cũng quan trọng nhất, nhận thức của tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của toà soạn, từng thành viên ban biên tập.

Người lãnh đạo một khi đã nắm vững xu thế, nhuần nhuyễn yêu cầu của những sản phẩm báo chí giải pháp sẽ là người chuyển đổi nhanh nhất tư duy làm báo của cả đơn vị. "Chúng ta đã thấy được hiệu quả của rất nhiều toà soạn, xin lấy ví dụ từ báo giaoduc.net. Ở Đài Tiếng Nói Việt Nam, trong vài năm trở lại đây chúng tôi cũng đang hướng về chuẩn bị các kết luận giao ban, định hướng sản xuất của các loại hình báo chí, gợi mở các vấn đề cần bàn, cần ưu tiên thảo luận khi các điểm nóng về chính trị, kinh tế xã hội trong nước và thế giới xuất hiện", ông Hùng cho biết.

Thứ hai, trình độ của phóng viên, biên tập viên và những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nội dung. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, không nên hiểu hoặc đánh đồng những tác phẩm báo chí có tính giải pháp với các công trình nghiên cứu khoa học, các bài luận khô khan. Báo chí suy cho cùng vẫn là những câu chuyện có thật được trình bày một cách hấp dẫn. Một tác phẩm báo chí cũng không nên có tham vọng giải quyết được tất cả các vấn đề, các nhà báo chỉ là những người trình bày, gợi mở những hướng ra từ kết quả thu thập xử lý thông tin, phỏng vấn các nhân vật.

Thứ ba là nguồn lực tài chính, công nghệ.

Thứ tư là chính sách, vấn đề bản quyền.

Cuối cùng, theo ông Phạm Mạnh Hùng, để báo chí giải pháp phát triển cần giải quyết vấn đề cơ chế, tài chính. Trong đó, có cơ chế đặt hàng, đấu thầu, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Với quan điểm của mình, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, trước sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền tải thông tin, nhất là mạng xã hội, báo chí giải pháp chính là cách thức giúp các cơ quan báo chí cân bằng, hài hòa giữa yêu cầu thông tin thời sự “nhanh nhất”, “mới nhất”, thu hút nhiều bạn đọc nhất với thông tin mang tính hiến kế, kiến giải, góp phần giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp hơn, giá trị hơn, nhân văn hơn.

cs.jpg
Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong.

“Báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà phản ánh tiêu cực theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nền tảng, đặt lợi ích của bạn đọc, của xã hội lên trên hết, trước hết. Cách thông tin này, giúp báo chí tạo dựng được niềm tin với công chúng, sự đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề, các thách thức đặt ra”, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhận định.

Tổng biên tập Phùng Công Sưởng cho biết, thực hiện báo chí giải pháp, các tòa soạn và phóng viên sẽ mất nhiều công sức hơn, kể cả về thời gian và tiền bạc để tạo ra sự hấp dẫn, sinh động, thu hút được bạn đọc. Báo chí giải pháp đòi hỏi các phóng viên, nhà báo phải có tâm, khách quan, trung thực; có tinh thần đồng hành vì sự phát triển, vì lợi ích của xã hội. Cùng với đó, báo chí giải pháp cũng đòi hỏi các nhà báo phải có kiến thức, khả năng phân tích và đánh giá các vấn đề.

Ông Phùng Công Sưởng cũng nhìn nhận, nhiều cơ quan, đơn vị còn né tránh báo chí, chưa thực sự chủ động trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm yếu tố khách quan, kịp thời. Ví dụ: Khi xảy ra một vụ việc cụ thể, nếu cơ quan bị phản ánh cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác sẽ giúp các phóng viên nhìn nhận vụ việc một cách tổng thể hơn, hướng đến yếu tố giải pháp. Ngược lại, nếu các cơ quan, đơn vị né tránh, không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, dẫn đến bài viết chỉ có yếu tố phản ánh vụ việc một cách đơn thuần.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, việc thực hiện báo chí giải pháp ở Tiền Phong ngoài thuận lợi cũng gặp những khó khăn nhất định, cần tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ. Trong đó, nhấn mạnh đến ý trí chính trị của người đứng đầu, định hướng sang loại hình báo chí mới là rất quan trọng. Để làm được điều này cần rất nhiều về nguồn lực, đặc biệt là đào tạo con người.

Bên cạnh đó, ông Phùng Công Sưởng nhấn mạnh đến việc các cơ quan Nhà nước cần tăng cường cơ chế hỗ trợ, cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách, xây dựng chính sách; đặt hàng các sản phẩm báo chí chất lượng cao để không chỉ tuyên truyền, định hướng mà còn hướng đến các giải pháp để giải quyết những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra trong các lĩnh vực quản lý.

Kết luận tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, báo chí đứng trước nhiều thay đổi về mặt công nghệ. Thời gian ngắn tới sẽ còn nhiều đe dọa về công nghệ khác. Báo chí đứng trước sự thay đổi về người dùng, người dùng không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Đến khi choáng ngợp với thông tin thì họ lại cần báo chí chính thống cung cấp thông tin. Ông mong muốn các cơ quan báo chí dành một phần chuyên sâu, làm những nội dung công bằng, đa chiều để thấy được sự khác biệt của báo chí.

Minh Kiên