Thủy điện Hòa Bình hiện mở 1 cửa xả đáy
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 15:06, 23/09/2024
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sáng nay (23/9) vừa yêu cầu thủy điện Hòa Bình đóng 2 cửa xả đáy.
Hồi 5h ngày 23/9, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 116,79m, lưu lượng đến hồ 414m3/s, lưu lượng xả 5.658m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 7h hôm nay.
Trước đó, vào lúc 1h cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã lệnh đóng 1 cửa xả đáy của thủy điện này.
Công ty Thủy điện Hòa Bình cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo về Bộ NN&PTNT (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Như vậy, sau khi đóng 2 cửa xả đáy nêu trên, hồ thủy điện Hòa Bình còn mở 1 cửa xả đáy.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Tại tỉnh Hải Dương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu bảo đảm an toàn hạ du khi thủy điện Hòa Bình đóng 2 cửa xả đáy.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ngành, đơn vị liên quan thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc; Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ các kè, bờ lở, đặc biệt các công trình đang có diễn biến hư hỏng, sạt lở để phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống sự cố xảy ra.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mực nước lũ trên các sông, báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã để chủ động chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.