Ninh Bình thiệt hại trên 376 tỷ đồng do bão số 3 và mưa lũ

Kinh tế - Ngày đăng : 17:30, 25/09/2024

Theo thống kê, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo thống kê, gần 3.200ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại trên 376 tỷ đồng.
Kinh tế

Ninh Bình thiệt hại trên 376 tỷ đồng do bão số 3 và mưa lũ

Hồng Trang 25/09/2024 17:30

Theo thống kê, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo thống kê, gần 3.200ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại trên 376 tỷ đồng.

Với việc luôn chủ động các phương án phòng, chống bão, lũ nên tỉnh Ninh Bình đã không có thiệt hại về người, tất cả các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Hệ thống đê điều, trạm bơm, hồ đập, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc của toàn tỉnh vẫn vận hành an toàn đảm bảo chống lũ, tiêu úng, cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

ninh-binh.png
Bão số 3 và mưa lũ đã khiến 4.923 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị ngập

Các hộ bị ngập phần lớn nằm tại khu vực ngoài đê. Do vậy, toàn tỉnh Ninh Bình không có thiệt hại về người, có 1 ngôi nhà bán kiên cố bị thiệt hại nặng; 4.923 ngôi nhà bị ngập nước; 319 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; 6 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có 3 điểm trường bị ngập úng; 5 cơ sở y tế bị thiệt hại, trong đó có 4 cơ sở bị ngập úng, 1 công trình văn hóa bị thiệt hại.

Về nông, lâm, thủy sản có 2.115,8ha lúa và 304,8ha hoa màu bị ảnh hưởng; 107 cây xanh lâu năm, cây hàng năm, cây ăn quả và 41ha rừng bị thiệt hại; hàng nghìn cây bóng mát, cây xanh bị gãy đổ; trên 6.450 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 3.200ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó có trên 3.000ha nuôi cá truyền thống, 26ha nuôi cá da trơn, 133ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Về công trình, hạ tầng có khoảng 2,75km đê cấp III trở lên và 3,2km đê cấp IV trở xuống bị sạt, nứt và xuất hiện mạch đùn, mạch sủi; trên 5,5km kênh bị hư hỏng; 4 trạm bơm bị hư hỏng. Cùng với đó, khoảng 1,67km đường bị sạt lở, hư hỏng; 34,87km đường bị ngập; 190 cột điện trung cao thế và hạ thế bị gãy đỏ; 3.600m dây trung cao thế và hạ thế bị đứt; 7 trạm biến thế trung cao thế và hạ thế bị hư hỏng; gần 2.500 hộ bị thiếu nước sạch, trên 420ha vùng dân cư có nguy cơ bị ô nhiễm. Tổng thiệt hại theo ước tính trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình là 376,59 tỷ đồng.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung chỉ đạo xử lý tiêu độc, khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra.

UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành chức năng thành lập các đoàn về địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay khi nước rút, UBND các xã chỉ đạo các hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường các vùng nuôi; gia cố bờ bao, hệ thống kênh mương tiêu nước; kéo lưới kiểm tra để loại bỏ cá tạp và ước lượng số cá còn lại; tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ao nuôi, thả bổ sung cá giống vào ao đủ mật độ và cơ cấu cá thả.

Hồng Trang