Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam Bài 2: Cần hoàn thiện về hệ thống pháp lý

Emagazines - Ngày đăng : 19:26, 25/09/2024

Những chính sách để thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 vẫn còn chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp khó thực thi. Việc hoàn thiện các chính sách, khung khổ pháp lý và các điều kiện cần thiết cho thị trường carbon đang trở nên cấp bách.
Emagazines

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt NamBài 2: Cần hoàn thiện về hệ thống pháp lý

Hà Thu 25/09/2024 19:26

Những chính sách để thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 vẫn còn chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp khó thực thi. Việc hoàn thiện các chính sách, khung khổ pháp lý và các điều kiện cần thiết cho thị trường carbon đang trở nên cấp bách.

anh-t23-1.png

Lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng thị trường tín chỉ carbon

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26 - Glasgow, 2021, trong đó, Thủ tướng cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).

Một trong những chỉ đạo quan trọng là việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 qua Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021. Kế hoạch này đặt ra các mục tiêu chính về tăng trưởng xanh, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực đối với các lĩnh vực liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan để thực hiện và triển khai các hoạt động và mục tiêu của kế hoạch.

Bên cạnh đó, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trọng tâm của Nghị định là lộ trình triển khai thị trường tín chỉ carbon.

Cụ thể, kể từ năm 2025, Chính phủ sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ nay đến hết năm 2027, Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh việc xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, thiết lập quy chế vận hành sàn giao dịch và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon. Những nỗ lực này nhằm tạo nền tảng vững chắc cho thị trường tín chỉ carbon, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong các giao dịch, đồng thời hỗ trợ đạt được các mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững.

2(1).jpg

Về lộ trình giảm phát thải, Nghị quyết 98 cũng thể hiện việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon là điểm nhấn, lấy con người làm trung tâm, cùng với các yêu tố tăng trưởng xanh và chiến lược ngoại giao công nghệ. Trong đó, tăng trưởng còn là nhiệm vụ của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững với mục tiêu hướng tới con người.

Cũng theo lộ trình, từ năm 2028, Chính phủ sẽ chú trọng vào việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, đồng thời quy định các hoạt động kết nối và trao đổi tín chỉ carbon giữa thị trường trong nước với các thị trường quốc tế, nhằm tạo sự liên kết và mở rộng cơ hội giao dịch. Mặc dù nói là thí điểm nhưng người chơi là toàn cầu. Điều này giúp chúng ta tham gia vào việc phát triển mạng lưới LHQ, cũng như song hành cùng Chính phủ trong việc nghiên cứu các chính sách và các cam kết quốc tế.

3(1).jpg

Việc tổ chức thị trường càng sớm thì sẽ càng có lợi cho Việt Nam, giúp chúng ta thực thi chiến lược xanh không những trong nước mà trên toàn cầu. Trong đó ngành nông nghiệp đi đầu trong việc bán tín chỉ carbon, ước đạt 80 triệu tấn vào năm 2030, mục tiêu là khai thác rừng.

Như vậy, Nghị định 06/2022 là một bước quan trọng trong việc quản lý khí thải CO₂ và triển khai thị trường carbon tại Việt Nam, giúp thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dựa trên các chiến lược và chính sách quốc gia nói trên, có thể nói rằng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai lộ trình giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu, việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực tín chỉ carbon là yếu tố quyết định.

Với các văn bản đã được ban hành, có thể thấy thị trường carbon dần được định hình rõ nét hơn, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá tín chỉ carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, đây còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất.

6(1).jpg

Chia sẻ về vấn đề này, Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Phạm Hồng Quân cho rằng, mặc dù các chính sách pháp lý về tín chỉ carbon còn chậm, nhưng hy vọng “chậm” mà “chắc”, để nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không bị thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon.

Theo ông Quân, Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm xây dựng tín chỉ carbon của EU, Hàn Quốc, Indonesia. Từ bài học của các quốc gia này, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp thực hiện chuẩn chỉnh hơn, chính xác hơn, hạn chế thao túng thị trường. Đặc biệt, việc sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP cần có điều khoản ràng buộc hạn ngạch không được trao đổi quá tỷ lệ % carbon nhất định, tránh thao túng, lợi dụng kẽ hở chính sách.

Cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý đầy đủ

Chuyển đổi sang sản xuất xanh là xu thế nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Hay nói cách khác, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong các hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Nói như vậy để thấy rằng, muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu, trước mắt là thị trường EU, Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp, cần phải thay đổi và thích ứng, trước hết là tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, nếu như không muốn bị tụt hậu và bị mất vị thế tại thị trường tiềm năng này.

Trong khi đó, thị trường tín chỉ carbon được dự báo trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi không chỉ dư địa lớn từ rừng mà còn ở các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông lâm nghiệp...

4(1).jpg

Được biết, Tuyên Quang là một trong 3 địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, tới 65%, mỗi năm trồng mới 11.000ha rừng. Theo tính toán, với 67.000ha rừng trồng kéo dài chu kỳ lên 10 năm, Tuyên Quang có thể có 9 triệu tín chỉ carbon. Nhưng do hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên việc bán được tín chỉ carbon cũng không đơn giản.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu). Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện Đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nội địa mà chủ yếu trao đổi trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế. Đến nay, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. Đây là vấn đề mới và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai theo lộ trình từng bước.

7.jpg

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Thủ tướng hiện đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành sớm nhất Đề án phát triển thị trường carbon. Đề án này quy định đầy đủ tất cả các vấn đề cần thiết để có thể triển khai sớm nhất, dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức. Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc quản lý, nhu cầu trao đổi tín chỉ carbon quốc tế và trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự kiến, sẽ đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi những nội dung mới về quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon.

Để xác định hạn ngạch mà doanh nghiệp được phân bổ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục cập nhật vừa được ban hành tháng 8/2024 và Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên kết quả kiểm kê cấp cơ sở, cấp lĩnh vực, trước mắt là cho giai đoạn thí điểm từ năm sau.

5.jpg

Vì vậy để biến tiềm năng carbon rừng hay năng lượng tái tạo thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh chuyên sâu để thúc đẩy đầu tư và vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã tái cam kết tại COP28. Đó là:

+ Cần phải xem tín chỉ carbon là hàng hóa

Các quy định của pháp luật đến thời điểm này ngay cả tín chỉ carbon rừng cũng chưa rõ có được coi là một loại lâm sản hay không? Tại khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp 2017 giải thích: “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến” (nghĩa là không bao gồm có tín chỉ carbon rừng). Một khi chưa xác định tín chỉ carbon là hàng hóa thì việc giao dịch mua bán trên thị trường thông qua phương thức nào cũng đều không thể coi là “danh chính ngôn thuận”. Vì vậy Luật Lâm nghiệp và các luật có liên quan cần được điều chỉnh, bổ sung theo hướng công nhận, carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản; hoặc carbon thu giữ được các ngành năng lượng tái tạo là một loại hàng hóa đặc biệt.

+ Xác định quyền sở hữu tín chỉ carbon để hạn chế phát sinh tranh chấp

Khi tín chỉ carbon trở thành hàng hóa giao dịch thành công trên thị trường giống như bất cứ một loại hàng hóa khác thì chắc chắn sẽ phát sinh tranh chấp quyền sở hữu. Bởi không chỉ là giá trị mang lại mà ở chỗ vì đó là một loại hàng hóa đặc biệt (không cầm nắm được), muốn xác định được phải thông qua phương tiện máy móc ghi nhận. Như vậy hành lang pháp lý cần có (trong Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan) đó là phải có quy định cụ thể về quyền sở hữu đối với tín chỉ carbon. Xác lập quyền sở hữu tín chỉ carbon phải đảm bảo đồng thời đạt được mục đích kép: Vừa hạn chế đến mức thấp nhất sự tranh chấp giữa các chủ rừng hay các chủ dự án khi thực hiện các dự án đầu tư khai thác năng lượng tái tạo nhưng cũng vừa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác tín chỉ carbon. Ví dụ: Tín chỉ carbon của những khu rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, các tổ chức ngoài nhà nước thì những chủ thể này là chủ sở hữu những tín chỉ carbon tăng thêm do thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; hoặc tín chỉ carbon của rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng tự đầu tư thì thuộc về sở hữu của chủ rừng...

+ Luật hóa quy trình xây dựng và vận hành tín chỉ carbon

Carbon rừng nói riêng và carbon thu được từ các năng lượng tái tạo khác chỉ trở thành hàng hóa khi được xác nhận là tín chỉ. Có nghĩa phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ. Đây là một quá trình đặc thù, nhiều giai đoạn phải được các tổ chức độc lập thực hiện, trong khi đó đến thời điểm này Việt Nam chưa có các quy định điều chỉnh việc thực hiện các bước hoặc có nhưng chưa phù hợp với thị trường carbon và thông lệ quốc tế... Những trở ngại từ Đề án bán tín chỉ carbon rừng ở Quảng Nam (như Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ) cho thấy nút thắt nằm ở chỗ do thiếu quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến các hoạt động quản lý nhà nước về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát rừng hằng năm chưa được công bố. Vì vậy nếu không có hành lang pháp lý điều chỉnh để các cơ quan có chức năng của nhà nước có nghĩa vụ phối hợp, thì các địa phương rất khó để tự mình thiết kế và tổ chức thực hiện thành công tín chỉ carbon.

Những vướng mắc, bất cập trên cần sớm được khắc phục. Bởi nếu không có hành lang pháp lý điều chỉnh phù hợp để khuyến khích đầu tư và khai thác tín chỉ carbon thì rất khó biến tiềm năng thành hiện thực và đưa thị trường tín chỉ carbon vận hành theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra.

Hà Thu