Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam Bài 3: Cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Emagazines - Ngày đăng : 08:12, 27/09/2024

Hiện nay, nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Vấn đề này là thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon trên thế giới.
Emagazines

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt NamBài 3: Cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Thu 27/09/2024 08:12

Hiện nay, nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Vấn đề này là thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon trên thế giới.

3b-tai-chinh-carbon-rat-gan-1.jpg

Hiện Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Với thiện chí là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đưa ra cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040.

Chiến lược Net Zero 2050 được xem như một trọng tâm phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng trên toàn cầu. Ngoài ra, thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng, bao gồm bão, hạn hán, lũ lụt.. ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp. Nếu không quan tâm đến tín chỉ carbon, thì sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống của con người, và cũng ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, gây mất đa dạng sinh học.

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam - Bài 1: Tiềm năng và lợi thế

2(2).jpg

Vào năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.

Hiện Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Song song với đó, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được nhiều bên liên quan đặt vấn đề tìm hiểu.

Theo tính toán, ngành Nông nghiệp Việt Nam có thể tạo ra 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Vì thế, nước ta cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

Chia sẻ về vấn đề này, GS. TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp, nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon hiện nay còn khá khiêm tốn. Đây là vấn đề thách thức đối với Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon, kể cả phạm vi trong nước và toàn cầu.

Trong khi đó, chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế khi tham gia thị trường carbon như vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên rừng rất phong phú, đa dạng sinh học, hay sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan trong việc thúc đẩy thị trường carbon,...

GS.TS Hoàng Văn Sâm cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực là thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon kể cả phạm vi trong nước và phạm vi quốc tế. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tín chỉ carbon là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp đảm bảo sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào thị trường này.

5(1).jpg

Theo GS.TS Hoàng Văn Sâm, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường carbon tại Việt Nam cần thực hiện 4 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ chuyên gia mạnh cấp quốc gia về thị trường carbon ở các khía cạnh: xây dựng các dự án về tín chỉ carbon, đo lường, tính toán lượng phát thải, lưu trữ carbon, xây dựng báo cáo, tiêu chuẩn và đàm phán mua bán tín chỉ carbon.

Thứ hai, Nhà nước cần có các chiến lược để phát triển nguồn nhân lực cho thị trường carbon, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp để họ sẵn sàng tham gia sân chơi này.

Thứ ba, mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng các chương trình, dự án liên quan với các đối tác quốc tế. Hiện nay, nhiều quốc gia đã có những kinh nghiệm vận hành thị trường carbon sớm hơn như Hàn Quốc, các nước EU, Bangladesh,...

“Chúng ta vừa có nguồn thu nhập tài chính từ chương trình này, vừa thực hiện được cam kết quốc tế và đặc biệt là học hỏi được từ họ những bài học kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn...”, GS.TS Hoàng Văn Sâm nói.

Thứ tư, các trường đại học, cơ sở đào tạo liên quan cần xây dựng lộ trình cho các chương trình, bài giảng để đào tạo được nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia thị trường carbon thời gian tới.

Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng ngành đào tạo chuyên môn hóa về quản lý phát thải carbon, tính toán lượng hấp thụ và lưu trữ carbon, lồng ghép các môn học liên quan đến biến đổi khí hậu. Trường cũng tập trung đào tạo chuyên sâu hơn về dịch vụ carbon rừng, thiết kế và vận hành các khoá tập huấn ngắn hạn liên quan đến thị trường carbon, triển khai các chương trình nghiên cứu về thị trường để góp phần xây dựng chính sách carbon cho Việt Nam, nghiên cứu về tính toán carbon rừng bằng công nghệ tiên tiến.

z57375433080269751d00cef21488f59476cb26dc970d0-17238059409161127663269.jpg

Theo các chuyên gia, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ là đương nhiên mà còn mang tính bắt buộc với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Ví dụ như với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt.

Nêu quan điểm của mình, GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD, đây là tiền đề để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng.

Nếu Việt Nam tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, nâng tổng số lượng carbon bán ra thì nguồn thu từ thị trường này rất lớn. Nhưng muốn như vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng lộ trình triển khai thị trường carbon trước mắt trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025-2027 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028.

"Vai trò của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng. Hiện cả thế giới có khoảng 100 tổ chức có chức năng đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon. Thời gian tới, chắc chắn Việt Nam phải đầu tư đào tạo phát triển chuyên gia trong lĩnh vực này. Thị trường tín chỉ carbon dù chúng ta thí điểm nhưng đó là thị trường toàn cầu." - GS.TS. Võ Xuân Vinh nhấn mạnh.

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam - Bài 2: Cần hoàn thiện về hệ thống pháp lý

4(2).jpg

Để có thể vận hành thị trường carbon hiệu quả, minh bạch thời gian tới, vẫn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần thay đổi tư duy, chủ động tham gia đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn lao động chất lượng cao nhằm tham gia vào thị trường carbon.

Đi đôi với đó, cần hoàn thiện các chính sách pháp luật, hướng dẫn thực thi đối với thị trường này. Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng mới, sửa đổi văn bản cho phù hợp để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Hà Thu