Quảng Ninh tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường biển
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:04, 06/05/2020
Hoạt động khai thác thuỷ sản ngày càng tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn lợi thủy sản suy giảm. Cùng với đó, khu vực vùng ven biển của tỉnh Quảng Ninh đang chịu một sức ép khá lớn về ô nhiễm môi trường do tác động của các nguồn thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, hoạt động vận tải thuỷ, cảng biển và hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ven biển làm giảm khả năng tự phục hồi tự nhiên của các quần thể sinh vật.
Trước tình hình trên, Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, một trong số đó phải kể đến hoạt động thả giống thủy sản hàng năm. Đây là phương án quan trọng để tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản, đảm bảo môi trường sinh thái biển phát triển bền vững.
Thả giống thủy sản góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo môi trường sinh thái biển phát triển bền vững. Ảnh: Anh Thắng
Số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2019, địa phương đã tổ chức thả gần 9 triệu con giống thủy sản các loại, đến nay theo ước tính sơ bộ, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của tỉnh hiện đạt khoảng 82.000 tấn (ven bờ khoảng 38.000 tấn, còn lại là ở vùng lộng).
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thả bổ sung giống thủy sản kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại vùng nước tự nhiên có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì cân bằng môi trường sinh thái, đa dạng các giống loài thủy sản. Thông qua các dịp thả giống còn góp phần tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức về lợi ích to lớn của việc tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tham gia các hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản.
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã có quy hoạch riêng đối với vùng biển Quảng Ninh giai đoạn 2018-2030. Theo đó, do chuyển mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, nên diện tích nuôi trồng thủy sản giảm bình quân là 4,3%/năm. Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh chỉ còn trên 10.000ha nuôi trồng thủy sản (giảm gần 50% so với năm 2018). Do đó, việc thả giống trong những năm tới vẫn là một giải pháp cấp thiết để tái tạo nguồn lợi thủy sản và sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Mục tiêu trong năm 2020, lượng giống thủy sản được xã hội hóa đạt từ 80-90% tổng lượng giống thả của tỉnh.
Minh Nguyệt (T/h)