Thủ phủ vải thiều Bắc Giang vàng cháy, nhiều cây ăn quả chết khô sau bão
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 12:00, 28/09/2024
Thủ phủ vải thiều Bắc Giang vàng cháy, nhiều cây ăn quả chết khô sau bão
Sau nhiều ngày bị ngập do ảnh hưởng của bão số 3, hàng nghìn cây vải thiều chết khô, các cây ăn quả khác như cam, bưởi, táo đang ra quả sắp đến mùa thu hoạch đều bị úng nước khô héo, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân nơi đây.
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa to nước ngập nhiều ngày khiến cho nhiều vườn cây ăn quả tại Lục Ngạn trở nên xơ xác. Tìm hiểu thực tế tại nhiều vườn táo, cam, bưởi trên địa bàn các xã: Quý Sơn, Nam Dương, Thanh Hải, Hồng Giang, Giáp Sơn… đều có chung trình trạng gãy, đổ, bùn đất bám kín, lá bị vàng, quả rụng hoặc nứt… Nhiều cây trong số đó đang có dấu hiệu chết héo.
Anh Trương Văn Dựng, Bí thư thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, không khỏi nuối tiếc khi phải chứng kiến hàng nghìn cây vải tại thôn có nguy cơ bị mất trắng sau nhiều ngày ngâm nước, thối rễ, rụng lá, cháy vàng. Nhớ lại khoảng thời gian này năm ngoái, anh Dựng còn đang bận rộn chuẩn bị khoanh vùng hoa, chăm lộc để cây chóng đậu quả.
“Tôi đếm sơ bộ cả trăm cây vải đã bị chết hoàn toàn, những cây còn lại thì thoi thóp, cứu được cây nào thì cứu. Không chỉ cây vải thiều, gia đình tôi còn bị thiệt hại hàng trăm cây táo. Tôi chỉ mong được cơ quan ban ngành hỗ trợ trồng lại cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…"- anh Dựng buồn rầu chia sẻ.
Theo người dân Lục Ngạn chia sẻ, trước tình trạng này, cây vải muốn cho quả ổn định phải mất tới 5 năm trời, còn cây táo nhanh cũng phải mất từ 1,5 đến 2 năm. Giờ họ chỉ biết chờ trời nắng ráo hẳn rồi thuê người, thuê máy móc đánh bỏ cây chết và trồng lại vụ mới. Hiện tại, cả thôn Đồng Trắng có tới hơn 120 hộ trồng cây ăn quả bị thiệt hại do lũ lớn, chỉ có vài hộ ở đồi cao thì ít bị ảnh hưởng.
Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, hiện nay trên địa bàn xã có gần 1.600 hộ gia đình đang sống nhờ cây vải, cây cam, bưởi...
Theo thống kê sơ bộ, trong đợt bão lũ vừa qua, huyện Lục Ngạn có hơn 7,6 nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, riêng diện tích cam, bưởi, táo là hơn 5,4 nghìn ha, còn lại là các cây trồng khác như táo, ổi, na, nhãn, chuối, vải thiều... Người dân lo lắng, sau khi lũ rút, nắng lên, cây ăn quả bắt đầu có hiện tượng rụng quả, vàng lá, héo úa, nguy cơ chết héo.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại sau mưa lụt và ngăn chặn sự lây lan của các đối tượng dịch hại trên cây ăn quả, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp canh tác phù hợp đối với từng loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo phòng chức năng, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các đoàn đi rà soát, thống kê thiệt hại để làm cơ sở đề xuất các biện pháp hỗ trợ theo đúng quy định, bảo đảm tính chính xác, khách quan.
Cơ quan chuyên môn của địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ cây trồng; thu gom số lượng cam bị rụng tại vườn không để nấm bệnh phát triển. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện khuyến cáo, với những diện tích bị ngập úng, người dân cần thực hiện ngay một số biện pháp như: Nước rút đến đâu tiến hành rửa sạch lá, thân cây đến đó, dọn dẹp các cành, quả bị dập vỡ, gãy, rụng. Chú ý khơi thông rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn và xung quanh gốc gây úng cục bộ.
Hạn chế đi lại trong vườn tránh đất bị lèn chặt, gây thiếu oxy cho rễ cây. Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, hạn chế làm đứt rễ. Bà con quan tâm cắt bỏ những cành bị gãy, tỉa bớt cành, lá để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Khi đất đã ráo, trời tạnh mưa tiến hành xới phá váng trên bề mặt tạo độ thông thoáng cho đất.