Khó khăn trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thanh Hóa

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:31, 30/09/2024

Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, nhưng không thể không thừa nhận công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Thanh Hoá, vẫn tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế; rất cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
Bảo vệ môi trường

Khó khăn trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thanh Hóa

Nguyễn Trường {Ngày xuất bản}

Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, nhưng không thể không thừa nhận công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Thanh Hoá, vẫn tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế; rất cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Tỷ lệ thu gom, xử lý giảm so với kế hoạch đề ra

Theo dữ liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Thanh Hóa cung cấp, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 447.988 tấn (tương đương 2.474 tấn/ngày), khối lượng rác được thu gom và xử lý là 406.624 tấn (tương đương 2.246 tấn/ngày, đạt 90,8%); trong đó, khối lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt là 116.114 tấn (đạt 28,6 %), khối lượng CTRSH được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 261.592 tấn (đạt 64,3%), khối lượng CTRSH được tái chế, xử lý khác là 26.777 tấn (đạt 6,6%); phần CTRSH chưa được thu gom tập trung được UBND các huyện hướng dẫn người dân tự thu gom, xử lý bằng các biện pháp đốt hoặc chôn lấp tại chỗ. So sánh với các chỉ tiêu kế hoạch được giao theo Quyết định số 5050/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa ( tỷ lệ thu gom, xử lý đtạ 91,5%, tỷ lệ đốt đạt 29,6%, tỷ lệ chôn lấp 67%), kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thu gom xử lý thấp hơn 0,7%, tỷ lệ đốt thấp hơn 1%, tỷ lệ chôn lấp giảm 2,7%.

anh-1.jpg
Bãi rác Núi Noi, phường Đông Sơn, Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đang bị quá tải, ô nhiễm

Qua thống kê từ dữ liệu của Sở TNMT Thanh Hóa cho thấy, có 18 địa phương có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 90% đến dưới 100%: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Nghi Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn, Hà Trung, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Như Xuân, Như Thanh; có 7 địa phương có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 70 - 90%: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn; có 2 huyện có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 60 - 70%.

anh-3.jpg
Việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn

Theo ghi nhận của phóng viên, tỷ lệ thu gom, xử lý giảm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân được cho là do các huyện đang triển khai các mô hình phân loại CTRSH tại nguồn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 17655/UBND-NN ngày 21/11/2023 nên khối lượng CTRSH được thu gom về các khu xử lý tập trung của huyện giảm xuống. Bên cạnh đó, khối lượng CTRSH được tái chế, xử lý tăng lên, đạt 6,6 % (năm 2023 đạt 4,7%) nên cũng giảm lượng CTRSH được xử lý đốt. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác, như công tác kêu gọi các nhà đầu tư vào thực hiện các chương trình, dự án về thu gom, xử lý rác còn khó khăn; ý thức phân loại và thu gom rác của một bộ phận người dân chưa cao…

Nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục

Ghi nhận từ thực tiễn cũng như qua đánh giá của ngành chức năng cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Một trong những hạn chế đã được Chi cục BVMT, Sở TNMT Thanh Hóa nhận diện và chỉ rõ đó là tình trạng quá tải so với công suất thiết kế ban đầu ở một số bãi chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong khi tiến độ thực hiện đầu tư đưa dự án xử lý rác thải sinh hoạt chậm so với yêu cầu, nhất là các dự án trọng điểm như: Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn); Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Nhà máy xử lý chất thải rắn xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn)... Điều này đã, đang gây khó khăn và ảnh hưởng đến công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương.

anh-4.jpg
Mặc dù đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung, công tác thu gom, xử lý CTRSH của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế

Cũng theo đánh giá từ Chi cục BVMT, Sở TNMT Thanh Hóa, hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã bước đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên việc làm này mới chỉ dừng lại ở những loại rác thải có giá trị bán cho các cơ sở thu mua phế liệu như vỏ chai nhựa, bìa cát tông... số rác thải còn lại vẫn thực hiện theo kiểu “tất cả trong một”. Trong khi đó, biện pháp xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp chưa đúng quy trình kỹ thuật; tỷ lệ đốt, tái chế chất thải còn thấp, lò đốt có công suất nhỏ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ và đầy đủ các khâu xử lý đối với các loại chất thải rắn đã phân loại như: Tái chế chất thải, đốt rác thu hồi năng lượng, ủ rác thải làm phân bón, xử lý chất thải trơ, chất thải nguy hại.

anh-2.jpg
Các điểm tập kết, trung chuyển rác tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức

Một số vấn đề khác, như việc khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày rất lớn nhưng biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp (64,7%) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; công tác thu gom, xử lý rác thải tại các huyện còn gặp khó khăn nhất là các huyện miền núi (hầu hết tỷ lệ thu gom, xử lý dưới 90%) do địa hình phức tạp, địa bàn rộng, các đơn vị hành chính phân tán, dân cư phân bố không đều; Bộ TNMT chưa ban hành hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, phân loại, xử lý rác thải để các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom, xử lý CTRSH theo quy định của Luật BVMT năm 2020; thực trạng một bộ phận cán bộ, người dân chưa chuyển ý thức thành hành động đối với việc BVMT, thói quen sinh hoạt thiếu thân thiện với môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi.

Thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu về sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm và hành động quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong công tác BVMT. Bởi BVMT là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững. BVMT cũng chính là bảo vệ sự sống của mỗi người dân và cộng đồng xã hội.

Nguyễn Trường