Hướng tới nông nghiệp thông minh, chất lượng cao
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:29, 05/06/2020
Định hướng phát triển nông nghiệp năm 2020
Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn.
Ở trong nước, năm 2020 ngành nông nghiệp xác định tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu; đồng thời, đang đứng trước những thách thức mới: Chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn sản phẩm còn thấp dẫn tới năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tiếp tục chịu sự tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, xâm nhập mặn ở nhiều nơi sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó bệnh dịch tả lợn châu Phi cần thời gian dài để xử lý.
Năm 2020 ngành nông nghiệp xác định tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đề ra định hướng phát triển năm 2020 là: Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”); khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm bứt phá hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định mục tiêu chung là: “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Những chỉ tiêu cơ bản cần đạt được trong năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn:
Một là, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3%;
Hai là, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ – 43 tỷ USD;
Ba là, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 59%, có thêm ít nhất 10 đơn vị cấp huyện, 4 tỉnh – 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
Bốn là, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%;
Năm là, cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả
Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải chung sức, đồng lòng, quyết tâm nhất trí, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Hướng đến nền nông nghiệp thông minh
Những năm gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã được triển khai, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thêm nữa, cùng với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, dựa trên sự tiếp thu công nghệ mới của thế giới, một nền nông nghiệp 4.0 bước đầu hình thành, mở ra nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhận định: Nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún nhỏ lẻ; năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với tiềm năng của một nước nông nghiệp. Thị trường khoa học công nghệ đã hình thành nhưng với quy mô nhỏ; việc chuyển giao kỹ thuật, hấp thụ công nghệ mới của doanh nghiệp gặp không ít trở lực; hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế…
Mặt khác, trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ số, những yếu tố từng là “bệ đỡ” tăng trưởng của nông nghiệp nước nhà như tài nguyên, đất đai, nhân công…, không còn tác dụng quyết định. Thế nhưng, dường như nông nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán phát triển trên nền tảng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi thế giới. Nông nghiệp thông minh – nông nghiệp số đang phát triển tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Hà Lan, Đức, Isarel, Nhật Bản… đem lại hiệu quả vô cùng lớn trong đời sống kinh tế – xã hội, Việt Nam không thể đứng ngoài “làn sóng” ấy. Và thực tế, chúng ta đã có một số mô hình ứng dụng thiết bị thông minh hay các hoạt động tiếp cận nông nghiệp 4.0 trong sản xuất lúa, ngô, lợn giống, thủy sản…
Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp trong thời đại kinh tế tri thức và kỷ nguyên số, trước hết phải bắt đầu từ con người. Do vậy, cần tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, để lực lượng này quản trị được công nghệ, thích ứng nhanh nhất với các vấn đề đặt ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiến vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với việc thí điểm xây dựng các khu ứng dụng công nghệ cao thì một vấn đề không kém phần quan trọng là đổi mới phương pháp và tăng cường đào tạo nhân lực về kỹ năng thực hành trong môi trường công nghệ hiện đại.
Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khoa học công nghệ nông nghiệp, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt, với việc khởi nghiệp trong nông nghiệp, cần nhấn mạnh và khuyến khích đổi mới sáng tạo, bởi không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, nông nghiệp là lĩnh vực ít được áp dụng công nghệ hiện đại, ít được đầu tư…
Một vấn đề quan trọng nữa là phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, phần việc cần đặc biệt quan tâm là tạo cơ chế phù hợp đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, hình thành những chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đó cũng chính là cái đích hướng đến cho một nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững, vì mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập, cải thiện hơn nữa đời sống cho nông dân.
Mai An (t/h)