Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 09:00, 02/10/2024

Phát biểu tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.

Sáng 1/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học.

Ngày hội do Bộ KH&ĐT cùng các bộ, cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trực tiếp, 10.000 đại biểu trực tuyến, cùng hàng chục nghìn đại biểu tham dự các hoạt động tổ chức trong 2 ngày 1 và 2/10.

1-pmc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Lấy ngày 1/10 là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, đổi mới sáng tạo của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tốt. Nhân dịp này, Thủ tướng công bố chọn ngày 1/10 là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Hà Nội và TPHCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.

Theo đó, Việt Nam liên tục thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong nhiều năm qua. Năm 2024, Việt Nam ở vị trí thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thủ tướng nhấn mạnh thế giới đang biến đổi nhanh, khó lường. Đặc biệt, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.

Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.

Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây.

1-pmc1.jpg
Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Lấy thế hệ trẻ làm chủ thể trung tâm

Trước những cơ hội và thách thức lớn, Thủ tướng nhấn mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần có quyết tâm nỗ lực và có trọng tâm trọng điểm hơn nữa. Thủ tướng chia sẻ 3 quan điểm rõ ràng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

"Đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn, không có biên giới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới bao gồm tập trung hoàn thiện thể chế và tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…).

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ tư là tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh).

Thứ năm là tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia. Thứ sáu là thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.

Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…

1-pmc2.jpg
Thủ tướng vinh danh và chúc mừng 5 giải pháp xuất sắc "Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024"

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Vì vậy, Việt Nam chỉ vượt qua được thách thức khi dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Để thực hiện được sứ mệnh này, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo NIC xây dựng tầm nhìn chiến lược, tập trung triển khai 9 ngành lĩnh vực công nghệ trọng tâm đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển của thế giới, bao gồm sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, hydrogen xanh, trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng cho biết, NIC đóng vai trò hạt nhân quan trọng trong việc dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Cơ quan này đưa ra đề xuất nhiều cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Thủ đô, Nghị định số 94 năm 2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm.

Việt Nam nói chung trở thành các đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung…

Trung tâm này đã thành lập được 10 mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 2.000 thành viên là các chuyên gia, trí thức trên thế giới.

Ngoài ra còn hỗ trợ ươm tạo hơn 1.000 startup, kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tổ chức và đồng tổ chức hơn 100 cuộc thi, giải thưởng dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hơn 10.000 cá nhân đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tại ngày hội, nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức về 4 chủ đề chính mang tính thời sự: Doanh nhân và thế hệ trẻ Việt Nam trước làn sóng trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam; cơ hội nghề nghiệp từ các công nghệ mới; hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.

Sự kiện có sự đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, như: Petrolimex, Viettel, Sovico Group, T&T Group, Thaco, Visa, MoMo, CT Group… và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như Chủ tịch Tập đoàn Meta phụ trách các vấn đề toàn cầu Nick Clegg, Phó Chủ tịch cấp cao toàn cầu Tập đoàn Nvidia Raymond Teh, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu Tập đoàn Qualcomm Becky Fraser, lãnh đạo cấp cao điều hành từ AMD, Intel, Qorvo, Samsung…

Phong Anh