Trong 5 phút, lũ quét 1,6 triệu m³ nước và đất đá trút xuống Làng Nủ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:50, 02/10/2024
Trong 5 phút, lũ quét 1,6 triệu m³ nước và đất đá trút xuống Làng Nủ
Chỉ trong khoảng 5 phút đã có 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước dội từ núi xuống Làng Nủ vùi lấp ngôi làng, gây nên thảm họa to lớn cho người dân nơi đây.
Tại hội thảo khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh", các diễn giả Khoa Địa Chất, trường ĐH Khoa học Tự nhiên báo cáo kết quả khảo sát và nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa Làng Nủ cùng một số khu vực trọng điểm tỉnh Lào Cai, các phát hiện sớm và phòng tránh ẩn họa tương tự Làng Nủ ở các khu vực miền núi Việt Nam.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân gây nên thảm họa ở Làng Nủ là lũ bùn đá thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi, nơi có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.
Số liệu trên được PGS.TS Nguyễn Châu Lân (Phó trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải) đưa ra tại hội thảo khoa học với chủ đề "Thảm họa Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh", sáng 2/10.
Thông tin về kết quả nghiên cứu và điều tra thực địa về trận lũ quét, lũ ống tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), PGS.TS Nguyễn Châu Lân nhận định quá trình sạt trượt diễn ra trong ngày 9/9 và đến ngày 10/9 lũ bùn đá mới diễn ra.
"Vị trí phát sinh trượt theo tính toán có thể tích 1,6 triệu m³ đất đá, bùn và nước, toàn bộ khối lượng này trượt xuống ngôi làng. Thông qua việc ứng dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, dòng lũ mất khoảng 300 giây (5 phút) từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng", ông Lân nói.
Khối sạt trượt này xuất phát từ đỉnh núi Con Voi, cách Làng Nủ khoảng 3,6km và trong quá trình di chuyển bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m, cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km. Ông Lân cho rằng, vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ.
Theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, thời điểm xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực rất lớn, với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 500mm trong ngày 9/9 và 633mm trong ngày 10/9, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm, khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh.
"Vận tốc dòng chảy lớn nhất đạt 20m/giây, khi tới khu vực bằng phẳng dưới Làng Nủ, vận tốc giảm xuống còn khoảng 2-3m/giây", ông Lân thông tin.
PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho hay, hiện nay các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai… đã xuất hiện nhiều vết nứt địa chất cần có các biện pháp ứng phó để hạn chế tối đa các "thảm họa".
Một trong những giải pháp được vị chuyên gia đề cập là che phủ các vết nứt bằng vải bạt, kết hợp với hệ thống dẫn và thoát nước ngang, nhằm ngăn nước thấm sâu vào lòng đất, hạn chế nguy cơ sạt lở.
"Đây là biện pháp đơn giản mà các địa phương có thể nhanh chóng triển khai, sau đó sử dụng các phương án kỹ thuật khác để xử lý vết nứt", PGS.TS Nguyễn Châu Lân nêu.
Sáng 10/9, trận lũ quét kinh hoàng khiến 33 hộ dân của thôn Làng Nủ bằng gần chân núi Con Voi bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 58 người chết, 9 người mất tích, 14 người bị thương, 87 người an toàn.
Ngày 21/9, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức khởi công xây dựng khu tái định cư rộng 10ha, cách vị trí cũ khoảng 3km. Khu tái định cư nằm trên đồi sim, gồm 40 nóc nhà được xây dựng hai tầng kiểu truyền thống của người Tày cùng bếp, nhà vệ sinh, tổng diện tích mỗi hộ 1.000 m2.
Khu dân cư được đầu tư đồng bộ, từ nhà ở đến nhà văn hóa, điểm trường, đường, điện, nước, đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định. Kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chịu trách nhiệm thiết kế.