Những loại cây quả mọc dại ở Việt Nam, sang nước ngoài thành “thần dược” đắt giá
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:30, 29/05/2020
Do đặc thù khí hậu, địa hình, vùng đất… mà Việt Nam có hệ sinh thái rất đa dạng, động vật, cây cỏ sinh trưởng tốt, có nhiều họ, loài phong phú. Nhiều loại cây quả dù chỉ mọc dại, rất phổ biến ở Việt Nam nhưng trên thế giới lại là “hàng hiếm”, trở thành thứ được săn lùng, có giá cực đắt và còn cháy hàng.
Trái thù lù
Hay còn gọi là trái tầm bóp hay trái lồng đèn, mọc khắp vùng nông thôn, trên các bờ ruộng hay các bãi cỏ ven đường. Trong dân gian, lá tầm bóp có thể dùng nấu canh ăn trị mất ngủ trong khi quả của cây tầm bóp chỉ là một loại quả dại không được chú ý nhiều. Thế nhưng trong thời gian vừa qua rất nhiều người Việt Nam bất ngờ khi thấy những hình ảnh quả tầm bóp bán tại các siêu thị ở Nhật với giá lên đến 700.000 đồng/kg. Mức giá này này còn đắt hơn rất nhiều giá của nhiều loại trái cây nhập khẩu khi về Việt Nam.
Trái thù lù ở Nhật được nhà phân phối tư vấn là để ăn, nấu canh, còn được dùng như một vị thuốc có tác dụng tiêu đờm, thanh nhiệt…
Tía tô
Là một loại rau gia vị dễ trồng, dễ mua ở Việt Nam, thậm chí người ta còn… cho không bán. Tuy vậy khi được xuất khẩu sang Nhật, tía tô được bán theo… lá với giá từ 500-700 đồng/lá. Một công ty Việt Nam xuất khẩu tía tô thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với người Nhật, tía tô là loại rau gia vị quan trọng, được dùng để giảm bớt mùi tanh của hải sản, ăn kèm trong các món sushi, sashimi…
Bèo tây
Tại Việt Nam, từ trước đến nay vẫn có câu ví von “rẻ như bèo” do chúng mọc đầy ao hồ, kênh rạch, tại khắp các vùng miền ở Việt Nam. Bèo tây được một số địa phương khai thác làm hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, số lượng không nhiều.
Người Nhật mua bèo tây từ siêu thị về để làm gỏi hoặc chữa một số bệnh ngoài da
Tại Nhật, một cây bèo là 80 yên, tức khoảng 16.000 đồng/cây nhỏ. Mức giá này được xem là vô cùng đắt đỏ khi bèo tây sống đầy ao hồ ở Việt Nam. Người Nhật thường xuyên mua bèo tây trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng rất tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm hiệu quả.
Rau Càng cua
Rau càng cua là một loại rau thuộc họ Hồ tiêu , nó mọc hoang dại, mọc ở nhiều nơi và sống trong vòng 1 năm. Loại cây này phân bố ở những nơi có khí hậu nhiệt đới. Rau càng cua khi ăn sống có vị chua chua, giòn, ngon đặc trưng và có giá trị cao về mặt dinh dưỡng.
Ngoài cái tên gọi rau càng cua, nhiều nơi còn gọi đây là rau tiêu hay đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo.
Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng nhiệt miệng, viêm họng, táo bón, đau nhức cơ khớp, tiểu đường…
Nhiều nước trên thế giới xem rau càng cua là “thần dược” vì nó có khả năng trị nhiều loại bệnh. Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Người dân Trung Quốc và Brazil dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc. Còn người Java lại dùng loại rau này để trị sốt rét, đau đầu…
Đối với người bị bệnh tiểu đường, rau càng cua là thực phẩm bạn không thể bỏ qua. Sử dụng càng cua đều đặn 3 lần mỗi tuần sẽ giúp người bệnh ổn định lượng đường huyết trong cơ thể.
Rau diếp cá
Dù ở Việt Nam được ưa chuộng nhưng chúng vẫn có giá rất rẻ vì dễ trồng, mọc dại ở nhiều nơi. Khi sang Trung Quốc, rau diếp cá được bán với giá khoảng 200k/kg trong các thành phố lớn miền Nam Trung Quốc, còn thường xuyên không đủ hàng để bán.
Lá chanh
Trong nước “rẻ như cho”, khi sang châu Âu thì có giá lên tới 6,35 triệu/kg. Lá chanh Việt Nam được thị trường châu Âu ưa chuộng vì thơm, đậm đà hơn so với lá chanh từ các quốc gia khác. Khi xuất khẩu thì có hai dạng: dạng lá chanh đóng gói, đông lạnh và dạng đóng gói chung để làm gia vị lẩu.
Lý do chính có thể coi là do sự khác biệt về điều kiện địa lý, khí hậu, dinh dưỡng ở các quốc gia nên các loại cây quả (mọc dại ở Việt Nam) này lại rất khó trồng, chỉ có sản lượng cực hiếm hoặc phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vì vậy mà chúng mới đắt đỏ và “cháy hàng” như vậy.
Ngọc Ái (t/h)