Bị sốt xuất huyết, ăn gì cho nhanh khỏi?

Y tế - Ngày đăng : 19:19, 03/10/2024

Khi bị sốt xuất huyết, hệ miễn dịch và sức đề kháng của người bệnh đang rất kém. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng khoa học để nhanh khỏi bệnh.

Người bị sốt xuất huyết thường có cảm giác đắng miệng, chán ăn, mệt mỏi… bởi lúc này hệ miễn dịch và sức đề kháng của người bệnh đang rất kém. Do đó, ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng khoa học để phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Người bị sốt xuất huyết cần bổ sung nhiều dưỡng chất

Virus sốt xuất huyết tấn công khiến hệ miễn dịch người bệnh suy giảm, do đó bệnh nhân cần ăn các thực phẩm dễ tiêu, nhiều dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phục hồi sức khỏe nhanh chóng, và tránh các biến chứng nguy hiểm.

3-sxh0.jpg
Sốt xuất huyết dưới da thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Ảnh: VNVC

Sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo từ nhiều địa phương, dịch bệnh Sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng lên tại một số tỉnh/thành phố, đặc biệt tại khu vực Hà Nội. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 3.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023 song số ổ dịch lại gia tăng. Riêng trong tuần qua ghi nhận thêm 18 ổ dịch tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino trong năm 2023 và 2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm tăng khả năng lây truyền bệnh Sốt xuất huyết, đặc biệt là sốt xuất huyết Dengue.

Sốt xuất huyết cũng tương tự như các bệnh gây ra bởi virus nhưng người bệnh có biểu hiện đặc biệt hơn một chút. Triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn bắt đầu từ đau hốc mắt, đau đầu, đau toàn thân. Sau đó bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, da xuất hiện các chấm đỏ như nốt phát ban, kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, chảy máu cam, đau bụng, phân có màu đen (do giảm tiểu cầu),…

Người bị sốt xuất huyết ăn gì để nhanh hồi phục

3-sup.jpg
Cháo loãng, súp là thức ăn mềm rất phù hợp với người đang mắc bệnh sốt xuất huyết

Người bị sốt xuất huyết thường có cảm giác đắng miệng, chán ăn, mệt mỏi…, cơ thể lại mất nước do sốt cao liên tục, do đó thức ăn mềm là phù hợp nhất cho người đang mắc bệnh.

Cháo và súp được xem là những gợi ý đứng đầu trong danh sách “Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn gì”. Đây là món ăn dễ tiêu hóa, dễ nuốt, đồng thời cung cấp nước cho cơ thể, giúp bệnh nhân bù lượng nước mất đi do sốt cao liên tục.

Thực phẩm để nấu cháo, súp là loại giàu sắt như thịt, gan, các loại đậu và rau xanh,… Khi bị sốt xuất huyết, lượng tiểu cầu trong máu của người bệnh giảm, các loại thực phẩm giàu sắt có tác dụng làm tăng lượng hemoglobin trong máu. Từ đó thúc đẩy quá trình hình thành tiểu cầu, ngăn ngừa chảy máu, mất máu. Chính vì lý do này mà thực phẩm chứa chất sắt luôn được đề cập trong thực đơn của người bị sốt xuất huyết để tăng tiểu cầu.

Sữa và sữa chua cũng rất phù hợp cho người bị sốt xuất huyết. Sữa có vai trò cung cấp dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Trong khi đó, sữa chua chứa các vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, cải thiện sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, hỗ trợ bệnh nhân trong việc tăng cường sức đề kháng và khả năng chống viêm nhiễm.

Rau xanh cũng là thực phẩm rất tốt cho người bị sốt xuất huyết vì trong rau xanh có chứa nhiều calo, khoáng chất và vitamin. Để người bệnh được bổ sung chất xơ tự nhiên, nên xem xét bổ sung rau xanh vào khẩu phần ăn hàng ngày. Một số loại rau mà chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh nên ăn là rau bina, bông cải xanh và súp lơ.

Các loại trái cây tươi giàu vitamin C như ổi, chanh, cam,… có khả năng chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình phục hồi đối với người bị mắc sốt xuất huyết.

Ngoài các loại thực phẩm kể trên thì việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin K cũng nên cần cho người bị sốt xuất huyết bởi vitamin K giúp kích thích protein, tăng sinh tế bào cơ thể và ngăn chặn xuất huyết, hỗ trợ quá trình đông máu, giúp duy trì số lượng tiểu cầu trong cơ thể. Các loại thực phẩm giàu vitamin K có thể kể đến như bông cải xanh, rau mầm hoặc các loại rau lá xanh khác.

3-sxh1(1).jpg
Các loại rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu vitamin K rất tốt cho sự hồi phục của người bị sốt xuất huyết

Nước dừa có hàm lượng Kali và khoáng chất cao, giúp bổ sung nước cho cơ thể, giảm nguy cơ Mất nước và tăng cường miễn dịch cho người bệnh. Ngoài ra, các khoáng chất và Kali trong nước dừa còn hỗ trợ cân bằng sức khỏe của cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch.

Nước chanh không chỉ có lợi đối với bệnh nhân Sốt xuất huyết mà còn cho những người khỏe mạnh. Lượng vitamin C dồi dào trong nước chanh hỗ trợ cơ thể loại bỏ độc tố do virus sốt xuất huyết gây ra và kích thích vị giác giúp người bệnh cảm thấy ngon miệng hơn.

Nên kiêng ăn gì khi bị sốt xuất huyết

Theo lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân sốt xuất huyết không cần kiêng quá nhiều, chỉ cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, để nhanh bình phục thì bên cạnh một số món ăn được khuyến khích nên đưa vào khẩu phần ăn thì cũng có một số loại thực phẩn người bệnh nên tránh vì nó ảnh hưởng xấu tới quá trình hồi phục.

Thứ nhất là những thực phẩm có màu sắc đậm như thanh long đỏ, cà chua, củ dền,… người bệnh nên hạn chế vì các thực phẩm này gây khó khăn trong việc xác định bệnh nhân có bị xuất huyết dạ dày hay không.

3-sxh3(1).jpg
Người bị sốt xuất huyết nên kiêng ăn những thực phẩm có màu đỏ đậm như Thanh long đỏ, củ dền,..

Thứ hai là đồ ăn nhiều dầu mỡ bởi vì chất béo gây tăng cholesterol và tăng huyết áp, làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của cơ thể. Hơn nữa, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ cũng gây khó khăn trong quá trình tiêu hóa.

Người mắc Sốt xuất huyết nên tránh sử dụng thực phẩm nóng bởi chúng khiến dạ dày tạo ra nhiều axit hơn, gây viêm loét thành dạ dày. Những tổn thương này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị và quá trình phục hồi sức khỏe của bệnh nhân.

Nước ngọt và đồ uống có cồn cũng là thức uống người bị sốt xuất huyết nên tránh bởi nó không mang lại giá trị dinh dưỡng nhiều như nước ép trái cây. Nếu người bị sốt xuất huyết uống các loại nước này quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng mất nước khiến cơ thể mệt mỏi hơn.

Trứng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng lại không tốt cho người bệnh, nhất là khi đang bị sốt cao bởi nếu ăn trứng sẽ khiến nhiệt lượng cơ thể tăng nhanh mà không thể thoát ra ngoài, khiến bệnh nhân sốt cao hơn và kéo dài thời gian hồi phục.

Một số lưu ý cho người bị bệnh sốt xuất huyết khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết, gia đình cần lưu ý những điều sau:
Thứ nhất, bổ sung nước cho cơ thể bằng oresol, nước dừa, nước lọc,…
Thứ hai, nên ăn các thức ăn dạng lỏng kết hợp với đủ nhóm chất, hạn chế các thực phẩm khó tiêu hóa.
Thứ ba, không tự ý dùng thuốc hạ Sốt khi chưa được bác sĩ chỉ định.
Thứ tư, người thân cần theo dõi tình trạng của bệnh nhân, đặc biệt chú ý nhiệt độ cơ thể.

Hạ Vy