Khu vực nội đô TP.HCM không còn tình trạng ngập do mưa

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 11:00, 04/10/2024

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM , khu vực nội đô Thành phố đã không còn ngập nước khi mưa; tình trạng ngập chỉ xảy ra ở 13 tuyến đường trục chính do mưa.
Môi trường đô thị

Khu vực nội đô TP.HCM không còn tình trạng ngập do mưa

Thanh Thanh 04/10/2024 11:00

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM , khu vực nội đô Thành phố đã không còn ngập nước khi mưa; tình trạng ngập chỉ xảy ra ở 13 tuyến đường trục chính do mưa.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức vào chiều 3/10, Sở Xây dựng Thành phố cho biết, từ khi mùa mưa năm 2024 bắt đầu đến nay, tại nhiều tuyến đường trong Thành phố liên tục xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM còn tồn tại 13 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối, Đặng Thị Rành, Bạch Đằng tại quận Bình Thạnh; Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A tại thành phố Thủ Đức; Phan Anh (quận Tân Phú) và Hồ Học Lãm (quận Bình Tân).

tphcm.png
Khu vực nội đô TP.HCM không còn tình trạng ngập do mưa

Cùng với đó, TP.HCM còn có 6 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7); Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); thời gian ngập từ 30 phút đến 120 phút tùy vào đỉnh triều. Nguyên nhân ngập chủ yếu là do tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện những cơn mưa có cường độ rất lớn trong thời gian ngắn trên địa bàn Thành phố ngày càng nhiều, trong khi công tác dự báo chưa lường hết được do biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Thành phố có cao độ địa hình tương đối thấp nên thường xuyên xảy ra ngập do triều cường, đặc biệt là khu vực quận 7, hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Bên cạnh đó, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, tuy nhiên hệ thống hạ tầng thoát nước hiện hữu đã tồn tại qua nhiều thời kỳ, chưa kịp đầu tư, cải tạo nên không còn đáp ứng yêu cầu thoát nước trong điều kiện hiện nay.

Đồng thời, tình trạng xả rác bừa bãi còn làm lấp, bít miệng cống thoát nước làm hạn chế khả năng thu, thoát nước của hệ thống thoát nước khi xuất hiện mưa, đặc biệt là mưa kết hợp triều cường, từ đó gây ngập diện rộng.

Riêng đối với khu vực nội đô của Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng cho biết, sau khi hoàn thành các Dự án lớn gồm: Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1); Dự án cải thiện môi trường lưu vực Tân Hòa-Lò Gốm; Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã giải quyết căn cơ tình hình ngập trong khu vực này gồm các lưu vực: Tàu Hũ-Bến Nghé, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tan Hóa-Lò Gốm.

Qua theo dõi các cơn mưa vừa qua, tình hình ngập tại khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã không còn xuất hiện. Nhằm giải quyết tình hình ngập nước, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1); Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên; Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương-Bến Cát và Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn…

Đồng thời, Thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước tại các tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước. Đối với công tác vận hành hệ thống thoát nước, TP.HCM tập trung duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập.

Chính quyền địa phương cũng tổ chức vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước; tăng cường kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp chế tài, xử lý đối với trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống.

Tình trạng mưa ngập có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bao gồm:

  1. Ô nhiễm nguồn nước: Nước mưa có thể cuốn trôi chất ô nhiễm, rác thải và hóa chất vào các con sông, hồ, và nguồn nước ngầm, làm suy giảm chất lượng nước.
  2. Suy giảm đa dạng sinh học: Ngập lụt có thể tiêu diệt các loài thực vật và động vật, đặc biệt là ở các khu vực nhạy cảm như đầm lầy và rừng ngập mặn.
  3. Xói mòn đất: Nước mưa lớn có thể gây xói mòn đất, làm mất đi lớp đất màu mỡ, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất nông nghiệp.
  4. Phát tán dịch bệnh: Ngập lụt tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus, và côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
  5. Ảnh hưởng đến sinh kế: Các khu vực bị ngập lụt thường bị thiệt hại về nông nghiệp và hạ tầng, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
  6. Thay đổi hệ sinh thái: Ngập lụt có thể thay đổi cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái, dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
  7. Kích thích phát triển cây cỏ xâm lấn: Sau khi nước rút, các loài thực vật xâm lấn có thể phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các loài bản địa và gây mất cân bằng.

Thanh Thanh