Cao Bằng tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sau bão số 3 và mùa khô 2024 - 2025
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 14:00, 04/10/2024
Cao Bằng tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sau bão số 3 và mùa khô 2024 - 2025
Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Văn bản số 2611/UBND-KT về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) sau bão số 3 và mùa khô 2024 - 2025.
Nội dung Công văn nêu rõ, ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, có nhiều diện tích rừng bị sạt, trượt, gãy, đổ làm gia tăng vật liệu cháy; trong khi mùa khô 2024 - 2025 đang đến, thời tiết nắng nóng, khô hanh có thể kéo dài, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Để sớm khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhằm chủ động hơn nữa công tác triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trong thời gian tới theo chỉ đạo của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác PCCCR, đặc biệt tại các địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ rừng không có biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng và khi có cháy rừng xảy ra không tổ chức chữa cháy kịp thời.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt dọn thực bì, đốt nương làm rẫy theo đúng quy định. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng và PCCCR ở cơ sở; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; bảo đảm sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin về cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, thông tin phát hiện sớm điểm cháy trên Hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng và chủ động thực hiện các biện pháp PCCCR hiệu quả.
UBND các huyện, Thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và chủ rừng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng và PCCCR đối với diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra; huy động lực lượng thu gom vật liệu dễ cháy để xử lý theo đúng quy định; bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng do Nhà nước đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng rừng; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ rừng theo quy định để xảy ra cháy rừng, mất rừng trên diện tích được giao.
Chỉ đạo UBND cấp cấp xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, chủ rừng rà soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là những diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3 gây ra để có phương án phòng cháy rừng cụ thể, chi tiết; bố trí lực lượng thường trực, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng theo quy định của pháp luật. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lớn, kéo dài trong nhiều ngày. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Chủ động tổ chức các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội và các lực lượng có liên quan) có phương án sơ tán, di chuyển người dân, tài sản của nhân dân và Nhà nước ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cháy rừng có nguy cơ đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, của Nhà nước.
Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR, nhất là những diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3 gây ra và thời điểm mùa khô 2024 - 2025. Chủ động tham gia tố giác, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển tiêu thụ lâm sản, săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.
Cháy rừng là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay. Cháy rừng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người và môi trường sống bao gồm: Gây mất đa dạng sinh học; suy giảm chất lượng không khí; xói mòn đất; thay đổi khí hậu, ảnh hưởng đến nguồn nước;...