[Góc nhìn tuần qua]: Ứng phó sớm với tình trạng sạt lở đất và lũ quét
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 05/10/2024
[Góc nhìn tuần qua]: Ứng phó sớm với tình trạng sạt lở đất và lũ quét
Tình trạng sạt lở kèm lũ quét, lũ ống bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm đặc điểm địa hình, địa chất cùng tác động của khí hậu mà Việt Nam chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Các đợt sạt lở và lũ quét năm nay lan rộng ra nhiều tỉnh thành.
Mưa lớn kéo dài ở vùng núi phía Bắc vừa qua qua đã khiến nước lũ dâng cao, gây ra lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng tại tỉnh Hà Giang. Đây là lần thứ 21 trong năm nay tỉnh Hà Giang phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất, và việc đảm bảo an toàn cho người dân đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền. Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang có dấu hiệu khắc nghiệt hơn, công tác quản lý và phòng chống thiên tai của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế.
Công tác chuẩn bị cho mùa mưa bão vừa qua còn chưa đủ toàn diện, dẫn đến những thiệt hại không thể tránh khỏi.
Để ứng phó với nguy cơ sạt lở và lũ quét ngày càng khốc liệt, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần đầu tư xây dựng các bản đồ nguy cơ sạt lở chi tiết hơn, với tỷ lệ 1/10.000 thay vì tỷ lệ 1/50.000 như hiện nay. Bản đồ chi tiết sẽ giúp xác định chính xác các điểm có nguy cơ cao, từ đó đưa ra cảnh báo theo thời gian thực để người dân sống ở đó nắm bắt được. Hiện nay, các bản đồ tại Việt Nam đã lỗi thời và cần được cập nhật thường xuyên để phản ánh đúng tình trạng hiện tại.
Theo Bộ NN-PTNT, giải pháp căn cơ vẫn là bố trí, sắp xếp lại dân cư ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với di dời cần phải có bài toán bố trí quỹ đất để tái định cư an toàn, đảm bảo sản xuất lâu dài, bền vững hơn. Nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai cũng là giải pháp quan trọng giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trong tương lai.
Để đảm bảo rừng có tính bền vững, đa dạng sinh học và đúng nghĩa, cần một cơ chế phân bổ hợp lý về cơ cấu các loại rừng trồng. Thay vì chỉ tập trung vào các loại cây ngắn hạn như keo và tràm, cần thúc đẩy trồng các loại cây có chức năng phòng hộ với hệ sinh thái đa tầng. Nếu rừng không còn là rừng đúng nghĩa, chính sách không được sửa đổi kịp thời thì những vụ sạt lở, lũ quét kinh hoàng như ở Làng Nủ, Nậm Tông, Ca Thành… sẽ còn có nguy cơ tiếp diễn.