Quảng Ninh: Hơn 400.000 gia súc, gia cầm bị chết sau bão

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:30, 06/10/2024

Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã đi kiểm tra tại các địa phương để đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi còn lại.
Tin tức - Sự kiện

Quảng Ninh: Hơn 400.000 gia súc, gia cầm bị chết sau bão

Thu Phương 06/10/2024 10:14

Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã đi kiểm tra tại các địa phương để đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi còn lại.

Sau bão số 3, hàng ngàn hộ chăn nuôi gia súc gia cầm tại tỉnh Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh việc khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, ngành nông nghiệp địa phương cũng tập trung hỗ trợ về chuyên môn để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, sớm ổn định sản xuất.

thiet_hai_1_20241005124850.jpg
Hơn 400.000 gia súc, gia cầm ở Quảng Ninh bị chết sau bão số 3

Ngay sau bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã đi kiểm tra tại các địa phương để đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi còn lại.

Theo thống kê, thiệt hại đối với ngành chăn nuôi toàn tỉnh Quảng Ninh sau bão số 3 rất lớn, với trên 400.000 gia súc, gia cầm bị chết. Các địa phương bị thiệt hại nhiều là Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí, Tiên Yên... Cơn bão khiến nhiều trang trại tốc mái đổ tường, một số chuồng nuôi bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện các hộ chăn nuôi, HTX, DN đang khẩn trương khôi phục chuồng trại, chăm sóc gia súc, gia cầm còn lại sau bão.

Cơ quan chuyên môn đặc biệt lưu ý người dân khi cải tạo sửa chữa chuồng trại, sau 15 ngày vệ sinh để trống chuồng thì mới tái đàn; chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, bám sát lịch tiêm phòng, quản lý theo dõi, kê khai, khai báo theo đúng quy định…

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, đơn vị cũng khẩn trương tổng hợp, báo cáo những nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, nhất là về chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi sớm có kinh phí ổn định sản xuất trở lại.

“Với một số thiệt hại của người dân cũng như đối tượng vật nuôi chưa có trong cơ chế chính sách của tỉnh hay Trung ương, đơn vị cũng tổng hợp, báo cáo, đề xuất để xem xét bổ sung đối tượng để có thể được nhận hỗ trợ. Theo nhận định, dù có thiệt hại nhưng các địa phương đều nhanh chóng hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, tái đàn trở lại với hướng dẫn được tuân thủ. Như vậy cũng đảm bảo kịch bản tăng trưởng với chỉ tiêu giao từ đầu năm, đồng thời khẳng định với nhu cầu thực phẩm cho dịp cuối năm và dịp Tết sẽ không có gì khó khăn đối với tỉnh Quảng Ninh”, bà Thủy cho biết.

sat-trung-chuong-trai-bang-phuong-phap-tao-bot-hay-phun-xit-0.png
Phun khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại để tránh ô nhiễm môi trường

Dưới đây là một số hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi sau bão:

- Khi nước rút, cần khẩn trương thu gom và xử lý xác gia súc gia cầm chết để hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Xác động vật phải được chôn kỹ ở những nơi cao ráo không bị ngập nước, trước khi chôn lấp phải tiến hành dùng vôi bột hoặc các thuốc sát trùng như Han Iodine, cloramin B… rãi lên xác chết, hố chôn sau khi lấp cần được phun tiêu độc khử trùng trên khắp bề mặt. Đặc biệt tuyệt đối không mua bán hoặc vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Luật Thú y.

- Tiến hành thu dọn sạch bùn, đất, phân, rác thải trôi dạt; đối với rác thải là phân, chất độn chuồng, rác hữu cơ cần thực hiện xử lý bằng biện pháp sinh học hoặc đào sâu chôn chặt để tiêu diệt các loại vi sinh vật gây bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

- Sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải (nếu đã bị hư hỏng) đảm bảo theo quy định; khơi thông cống, rãnh thoát nước hố chứa phân, chất thải để tránh nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi, khi có úng ngập cần di dời đến vị trí cao hơn. Toàn bộ tường xây, vách ngăn, nền chuồng, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi cần được rửa sạch bằng nước sạch. Đối với ao nuôi thủy sản chú ý tháo nước bằng nhiều cách để đảm bảo nước không tràn bờ.

- Dùng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Han- Iodine, Virkon, cloramin B… để tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, hệ thống cống, rãnh thoát nước, hố chứa phân cũng như phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, theo phương châm nước rút tới đâu khử trùng tới đó.

Thu Phương