Quảng Ninh: Báo động tình trạng cháy rừng sau bão số 3
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 16:00, 07/10/2024
Quảng Ninh: Báo động tình trạng cháy rừng sau bão số 3
Sau bão số 3, Quảng Ninh có hơn 119.000 ha rừng bị thiệt hại nặng, kéo theo đó là lượng lớn cây gỗ, cành lá khô héo. Tuy nhiên, chỉ trong 10 ngày qua, địa phương này tiếp tục ghi nhận 8 vụ cháy rừng.
Mới đây nhất, vào lúc hơn 10 giờ ngày 6/10, tại khu 7A, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả xảy ra cháy rừng thiêu rụi khoảng 15 ha rừng keo, bạch đàn. Công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, do mùa hanh khô, kết hợp lượng cây, cành bị bão số 3 làm gãy đổ khô héo dễ bắt lửa khiến đám cháy bùng mạnh, lan nhanh hơn. Các lực lượng mất hơn 10 giờ để chữa cháy, đến khoảng 20 giờ cùng ngày đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, đến sáng 7/10, đám cháy tiếp tục tái phát, các lực lượng đang tiếp tục dập lửa.
Trước đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 5/10, tại xã Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái) xảy ra một vụ cháy thực bì, may mắn đám cháy được phát hiện kịp thời, các lực lượng cùng nhân dân nhanh chóng dập lửa, thiệt hại gần 1 ha.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 28/9 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng sản xuất. Trong đó, huyện Vân Đồn 3 vụ, thành phố Cẩm Phả 2 vụ, huyện Ba Chẽ một vụ, thành phố Hạ Long một vụ, thành phố Móng Cái một vụ, khiến hơn 50 ha rừng bị đốt cháy.
Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng thiệt hại hàng chục ha rừng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện phát động đợt cao điểm thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh, phải hoàn thành trước ngày 31/10.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại; dọn dẹp vệ sinh đảm bảo lưu thông tuyến đường vận xuất, vận chuyển lâm sản.
Phó Chủ tịch UBND Nghiêm Xuân Cường đã chỉ đạo, các địa phương và đơn vị cần lập kế hoạch chi tiết, khẩn trương thiết kế các đường băng cản lửa để chống cháy lan.
Đồng thời phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ." Địa phương nào lực lượng mỏng, diện tích xử lý nhiều phải khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, báo cáo tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tăng cường lực lượng chi viện cho công tác triển khai.
Việc tổ chức triển khai đợt cao điểm sẽ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, bố trí phân bổ lực lượng đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tế với từng địa bàn.
Quá trình triển khai, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng cháy và chữa cháy cho các hộ dân, nhất là những hộ dân sinh sống gần rừng. Nếu địa phương nào để xảy ra những vụ cháy lớn mà không báo cáo kịp thời về tỉnh thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần phải giữ nguyên hiện trạng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng trồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Cháy rừng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bao gồm:
- Ảnh hưởng hệ sinh thái: Cháy rừng phá hủy nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.
- Ô nhiễm không khí: Khói từ cháy rừng chứa nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.
- Đất đai: Cháy rừng làm giảm chất lượng đất, gây xói mòn và giảm khả năng giữ nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất.
- Khí hậu: Cháy rừng phát thải một lượng lớn carbon dioxide, góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Nước: Sự thiệt hại đối với thực vật có thể dẫn đến giảm khả năng giữ nước trong đất, làm gia tăng lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô.
- Tác động đến con người: Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cháy rừng còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, như di dời, mất mùa màng, và các vấn đề sức khỏe.