Lợi ích đối với sức khỏe không ngờ của nước đậu bắp
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 15:14, 07/10/2024
Lợi ích đối với sức khỏe không ngờ của nước đậu bắp
Đậu bắp là loại thực phẩm dinh dưỡng cao, nhiều người cũng tận dụng nước đậu bắp uống, vậy uống nước đậu bắp có tác dụng gì?
Nước đậu bắp chỉ đơn giản là nước ngâm quả đậu bắp. Để chuẩn bị thức uống bổ dưỡng này, hãy ngâm toàn bộ đậu bắp trong nước qua đêm, sau đó uống nước ngâm vào ngày hôm sau.
Nước đậu bắp có tác dụng gì?
Nước đậu bắp có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhờ vào các dưỡng chất và hợp chất có lợi trong đậu bắp. Dưới đây là một số lợi ích của nước đậu bắp:
Tăng cường hệ miễn dịch
Hàm lượng vitamin C trong nước đậu bắp có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Vitamin C kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch và cải thiện chức năng của các tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng và vi khuẩn. Các chất chống oxy hóa khác trong nước đậu bắp cũng góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu
Nước đậu bắp không chỉ là một thức uống giải nhiệt mà còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh thiếu máu hiệu quả. Đậu bắp chứa hàm lượng sắt và folate cao, hai thành phần thiết yếu trong việc sản xuất hồng cầu. Sắt giúp tăng cường lượng hemoglobin trong máu, từ đó cải thiện khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào. Folate, một loại vitamin B quan trọng, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu do thiếu folate.
Kiểm soát đường huyết
Nước đậu bắp có thể hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết nhờ vào các hợp chất thực vật và chất xơ. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu, giúp điều chỉnh mức đường huyết sau bữa ăn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Cải thiện các vấn đề về xương khớp
Nước đậu bắp không chỉ giúp ngăn ngừa thiếu máu mà còn có tác dụng cải thiện sức khỏe xương khớp đáng kể. Đậu bắp chứa nhiều vitamin K và canxi, hai dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển và duy trì xương chắc khỏe. Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện mật độ xương và giúp tăng cường các liên kết giữa các khoáng chất trong xương, giúp tăng chất nhờn trong xương khớp. Ngoài ra, đậu bắp còn chứa các hợp chất chống viêm tự nhiên, giúp giảm thiểu các triệu chứng viêm khớp và đau nhức. Vì vậy, việc bổ sung nước đậu bắp vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể là một cách đơn giản và hiệu quả để duy trì sức khỏe xương khớp.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Nước đậu bắp là một nguồn dồi dào chất xơ hòa tan, đặc biệt là pectin, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Chất xơ hòa tan trong nước đậu bắp có khả năng hấp thụ nước và hình thành một gel nhầy trong ruột, điều này giúp làm mềm phân và ngăn ngừa táo bón. Đồng thời, chất xơ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột, cải thiện sức khỏe đường ruột và giúp duy trì hệ vi sinh vật cân bằng.
Vitamin C, vitamin A, và potassium có trong nước đậu bắp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ thành mạch khỏi tổn thương do các gốc tự do. Potassium giúp điều chỉnh huyết áp bằng cách cân bằng mức natri trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Hỗ trợ giảm cân
Nước đậu bắp là một lựa chọn tuyệt vời cho những người đang theo đuổi chế độ giảm cân. Với hàm lượng calo thấp và chất xơ cao, nước đậu bắp giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Chất xơ cũng giúp duy trì mức đường huyết ổn định, điều này giúp ngăn ngừa việc tăng cân không mong muốn.
Cách chế biến nước đậu bắp
Để tận dụng tối đa lợi ích của nước đậu bắp, việc chế biến đúng cách là rất quan trọng. Dưới đây là hướng dẫn để làm nước đậu bắp đúng cách:
Chuẩn bị: 300 gam đậu bắp, 1 lít nước, 1 thìa cà phê muối.
Thực hiện:
Rửa sạch đậu bắp: Rửa sạch đậu bắp dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Bạn có thể ngâm đậu bắp trong nước muối loãng khoảng 10 phút để đảm bảo vệ sinh.
Cắt đậu bắp: Cắt bỏ đầu và đuôi của đậu bắp, sau đó cắt đậu bắp thành từng lát mỏng hoặc thành các miếng vừa phải. Việc cắt nhỏ giúp đậu bắp tiết ra chất nhầy và dưỡng chất tốt hơn.
Ngâm đậu bắp: Cho đậu bắp đã cắt vào một bình hoặc bát lớn, sau đó đổ nước lạnh vào ngâm. Để ngâm khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm trong tủ lạnh. Quá trình ngâm này giúp chiết xuất tối đa các dưỡng chất từ đậu bắp vào nước.
Lọc nước: Sau khi ngâm xong, lọc lấy phần nước và uống hàng ngày. Nước sau khi lọc có thể có màu xanh nhạt và một chút nhớt, đây là đặc điểm tự nhiên của nước đậu bắp.
Thêm muối (tùy chọn): Nếu muốn, bạn có thể thêm một ít muối vào nước đậu bắp để tăng hương vị.
Nước đậu bắp có thể được bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 2 - 3 ngày. Bạn có thể uống nước này vào buổi sáng khi bụng đói để đạt hiệu quả tốt nhất. Nên lưu ý rằng, Không nên nấu hoặc đun sôi đậu bắp khi làm nước, vì nhiệt độ cao có thể làm mất đi một số dưỡng chất quan trọng.
Chọn đậu bắp như thế nào ngon nhất?
Đậu bắp ngon sẽ có kích cỡ tương vừa khoảng 10 cm là ngon nhất vì chúng cũng sẽ không quá non hoặc quá già. Đậu bắp tươi là khi chúng còn lớp lông mao mỏng, không bị thâm đen và có màu xanh tươi.
Nên chọn những quả khi bóp vào đậu bắp có cảm giác mềm vừa phải và không bị khô. Đậu bắp già sẽ có dấu hiệu bị dập, héo và không giữ được màu xanh bóng đẹp mà sẽ chuyển sang màu xanh xạm cũng như có nhiều các vết thâm.
Nên uống nước đậu bắp khi nào?
Thời điểm sử dụng nước đậu bắp tốt nhất là vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 30 phút. Bởi vì khi dạ dày chưa có thức ăn từ tối hôm trước sẽ được bổ sung 1 lớp chất nhầy giúp bôi trơn dạ dày và đường ruột. Mỗi tuần chúng ta nên thực hiện uống nước ngâm đậu bắp đều đặn từ 2 - 3 lần/ tuần xen kẽ bổ sung loại rau này trong các bữa ăn. Không nên lạm dụng nước đậu bắp vì chúng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình đào thải của thận.
Ngoài ra, nếu bạn đang điều trị bất kỳ bệnh nào bằng thuốc cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tình trạng làm mất hiệu quả thuốc. Đối với những người thường gặp triệu chứng đầy bụng, khó tiêu thì không nên sử dụng nhiều đậu bắp vì lượng fructose trong đậu bắp dễ khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn.