Gia Lai: Nỗ lực đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:38, 08/10/2024
Các đơn vị chủ động ứng phó từ sớm
Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, những tháng cuối năm, tỉnh Gia Lai có thể hứng chịu mưa lớn từ 100-200mm, kèm theo 1-2 cơn bão ảnh hưởng gián tiếp.
Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi, hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp với năng lực thiết kế tưới 67.454 ha cây trồng các loại. Hiện nay, các công trình đang trong giai đoạn tích nước chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025.
Trong khi đó, nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây lo ngại về an toàn trong mùa mưa lũ.
Để đảm bảo an toàn các hồ chứa, từ cuối tháng 4, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng của từng công trình để có giải pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời những hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết, ngoài việc kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình để sửa chữa kịp thời, Công ty tăng cường chất lượng quan trắc, theo dõi diễn biến thời tiết để dự báo, cảnh báo lưu lượng nước về các hồ để báo cáo các cấp, ngành liên quan.
Công ty cũng vận hành chạy thử các phương tiện như xuồng máy, ca nô, máy phát điện dự phòng, kiểm tra thiết bị điều tiết cống, tràn xả lũ. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” khi thiên tai xảy ra. Chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương có công trình đứng chân trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024 tại hồ chứa nước Ia Mơr, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án thủy lợi Ia Mơr triển khai nhiều giải pháp bảo vệ công trình cũng như hệ thống kênh mương trong mùa mưa lũ.
Đại diện Ban Quản lý Dự án thủy lợi Ia Mơr (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) thông tin, trước mùa mưa lũ năm nay, đơn vị đã kiểm tra tổng thể công trình như đập, cống, tràn xả lũ và hệ thống kênh mương, hệ thống điện vận hành các thiết bị cơ khí, chiếu sáng, cửa van cung tràn xả lũ, cống lấy nước; tổ chức nạo vét cục bộ lòng kênh, rãnh thoát để khơi thông dòng chảy, hạ tải một số vị trí mái bờ kênh không đảm bảo an toàn.
Tương tự, tại các công trình thủy lợi, hồ chứa nhỏ do Trạm Thủy nông của các huyện Ia Grai, Kbang và Krông Pa quản lý cũng đã được các đơn vị kiểm tra, đánh giá hiện trạng để gia cố bảo vệ, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Đồng bộ triển khai nhiều giải pháp cấp bách
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, đặc biệt là các điểm xung yếu để có phương án xử lý kịp thời sự cố.
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các chủ hồ đập thực hiện nghiêm túc quy chế vận hành liên hồ chứa, điều tiết nước hợp lý; bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý và vận hành công trình, cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lũ.
Đối với các công trình xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí hơn 95 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 6 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng mất an toàn.
Về phía ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị sớm triển khai dự án nâng cao an toàn đập và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi bằng nguồn vốn vay WB8, kinh phí hơn 557 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025.
Gia Lai là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, mưa, bão, lũ. Do vậy, các hồ chứa nước thủy lợi nếu không bảo đảm an toàn thì khi xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ngoài ra, các sự cố hồ chứa thủy lợi còn tác động rất lớn tới vấn đề môi trường. Một lượng lớn bùn đất kèm theo các vật liệu hư hỏng sẽ kéo theo rất nhiều các chất độc hại nhanh chóng ngấm vào đất, nguy cơ nhiễm vào nước ngầm, một phần hơi độc phát tán vào không khí. Tất cả điều này đe dọa đến cuộc sống của người dân và giảm thiểu nguồn sinh, thực vật vùng hạ du.