Sẽ kiểm tra 18 địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 từ ngày 7/10

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:00, 08/10/2024

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra vào ngày 7/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trưởng Đỗ Đức Duy cho biết tính đến ngày 4/10, có 45 địa phương đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024, còn 18 địa phương đang trong quá trình soạn thảo. Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, từ hôm nay bắt đầu kiểm tra tại các địa phương, nhất là các địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn.

"Nếu địa phương không ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết Luật theo thẩm quyền thì sẽ có rất nhiều vướng mắc mà những vướng mắc này gây khó khăn cho chính địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, Bộ cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương, nhất là 18 địa phương chưa ban hành văn bản nào thì khẩn trương ban hành, để đảm bảo đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật khi thực hiện", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra ngày 7/10, các doanh nghiệp và Bộ, ngành đều bày tỏ đồng tình và đánh giá cao bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả nổi bật trong tình hình kinh tế-xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

7-duy.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024.

Chính phủ đã ban hành đủ 10/10 nghị định liên quan Luật Đất đai 2024

Liên quan việc thi hành Luật Đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã quá thời gian theo yêu cầu của Chính phủ, vẫn còn 18 địa phương chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 để thống nhất việc triển khai các quy định của Luật.

Cụ thể, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, theo thẩm quyền, Chính phủ đã ban hành đủ 10/10 nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cũng đã ban hành đủ 6 thông tư theo quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.

Tuy nhiên, về phía các địa phương, tính đến ngày 4/10, có 45 địa phương đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024, còn 18 địa phương đang trong quá trình soạn thảo.

"Nếu địa phương không ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết Luật theo thẩm quyền thì sẽ có rất nhiều vướng mắc mà những vướng mắc này gây khó khăn cho chính địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, Bộ cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương, nhất là 18 địa phương chưa ban hành văn bản nào thì khẩn trương ban hành, để đảm bảo đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật khi thực hiện", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và bắt đầu kiểm ta tại các địa phương từ hôm nay (7/10), nhất là các địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi kiểm tra thì cần tập hợp danh sách những địa phương đã ban hành đầy đủ văn bản, những địa phương đã làm được một phần và những địa phương chưa ban hành văn bản nào, để báo cáo Thủ tướng Chinh phủ.

"Không có lý do gì mà 45 địa phương đã ban hành đầy đủ văn bản mà 18 địa phương chưa ban hành được. Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong các văn bản, những địa phương nào gặp khó khăn thì phải phối hợp với các bộ, ngành để được hướng dẫn và triển khai hiệu quả", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được thực hiện từ năm 2013 đến nay

Liên quan đến điều chỉnh bảng giá đất hiện hành (bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013) để thực hiện đến 31/12/2025, tiến tới xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, thực hiện từ ngày 1/1/2026, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được thực hiện từ năm 2013 đến nay.

Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, đối với các địa phương thường xuyên điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất thì đến nay mặt bằng giá đất trong bảng giá đất đã cơ bản tiếp cận mặt bằng giá đất của thị trường nên việc điều chỉnh, bổ sung giá đất tại thời điểm này không có nhiều vướng mắc và không tác động đến nhiều đối tượng sử dụng đất.

Tuy nhiên, một số địa phương không thực hiện điều chỉnh thường xuyên giá đất nên giá đất trong bảng giá đất có khoảng cách tương đối lớn so với mặt bằng giá đất thực tế.

"Vì vậy, việc thực hiện điều chỉnh giá đất lần này nếu không theo lộ trình mà cập nhật ngay giá mặt bằng đất thực tế thì có một số vị trí, một số loại đất có điều chỉnh tăng ở mức cao và sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất", Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương (không thường xuyên điều chỉnh giá đất) khi điều chỉnh giá phải có lộ trình phù hợp và có đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh giá đất, đồng thời có tham vấn ý kiến của các đối tượng có tác động để có lộ trình điều chỉnh phù hợp.

Từ nay đến giữa năm 2025, các địa phương cần tiếp tục thực hiện theo hướng này để tiến tới từ 1/1/2026 sẽ thực hiện theo bảng giá đất mới.

Với chỉ tiêu sử dụng đất đối với một số loại đất tại các địa phương, Bộ trưởng cho biết, từ 1/8 năm nay, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đến 2030.

Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia vào năm 2025 để tháo gỡ các vướng mắc về chỉ tiêu sử dụng đất…

7-nghi.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Tiến độ giải ngân cho năm 2024 mới chỉ đạt hơn 35%

Đề xuất gói tín dụng mới 30.000 tỷ để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

Cũng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, đến nay, cơ bản những vấn đề liên quan pháp lý về bất động sản, nhà ở xã hội đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua việc ban hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đối với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã ban hành 2 thông tư và tham mưu Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định. Như vậy, các văn bản hướng dẫn 2 Luật đã được ban hành.

Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản hướng dẫn của các địa phương đối với 2 Luật này mới có 7 địa phương ban hành theo thẩm quyền địa phương, 46 địa phương đang xây dựng dự thảo quy định chi tiết Luật Nhà ở, 10 địa phương chưa có báo cáo. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm và khẩn trương triển khai nội dung này.

Đối với thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng như triển khai thực hiện nội dung về nhà ở xã hội, thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất gói tín dụng mới 30.000 tỷ theo cơ chế mới, khác với gói 120.000 tỷ, để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất, đối với các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo thẩm quyền, các địa phương cần quan tâm và thúc đẩy việc ban hành các văn bản này để có cơ sở triển khai Luật một cách đồng bộ.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo thúc đẩy triển khai nhà ở xã hội trên địa bàn theo mục tiêu đã được xác định cho từng địa phương.

Liên quan đến giải ngân dự án 5 trong Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển bền vững về nhà ở, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương thúc đẩy tiến độ giải ngân. Hiện nay, tiến độ giải ngân cho năm 2024 mới chỉ đạt hơn 35%.

Các địa phương cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc của từng dự án bất động sản trên địa bàn. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ theo thẩm quyền của Bộ.

Lam Trinh