Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm tại Chí Linh và Kinh Môn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:30, 09/10/2024

Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đưa ra cảnh báo cháy rừng trên địa bàn TP. Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm). Hai địa phương này hiện có 10 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.
Biến đổi khí hậu

Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm tại Chí Linh và Kinh Môn

Thu Phương 09/10/2024 10:10

Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đưa ra cảnh báo cháy rừng trên địa bàn TP. Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm). Hai địa phương này hiện có 10 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay khu vực Hải Dương không mưa, thời tiết khô hanh, độ ẩm không khí thấp kết hợp với lượng vật liệu cháy rất lớn do cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 (bão Yagi) nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn TP. Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng lớn, nếu xảy ra cháy tốc độ lửa sẽ lan nhanh.

chay-rung.jpg
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm tại Chí Linh và Kinh Môn

Tình hình cháy rừng càng trở nên đáng lo ngại tại Hải Dương khi một vụ cháy đã xảy ra vào ngày 5/10 tại khu vực chùa Gạo theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, thị xã Kinh Môn). Đến khoảng 23h cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Do lớp thực bì dày nên đến sáng ngày 6/10, đám cháy bùng phát trở lại và sau đó được dập tắt hoàn toàn.

Chi cục Kiểm lâm xác định, nguy cơ cháy rừng ở thị xã Kinh Môn và TP. Chí Linh vẫn ở mức cao. Trước tình hình thời tiết khô hanh kéo dài, Chi cục Kiểm Lâm Hải Dương đã phát đi cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 4 tại 2 địa phương này. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm đề nghị Hạt Kiểm lâm TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố, thị xã triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa trong rừng và gần rừng, không dùng lửa để xử lý thực bì. Xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Kiểm tra phương tiện, máy móc thiết bị và dụng cụ chữa cháy rừng bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm cần phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại trụ sở hạt, trạm (chòi canh lửa) trong thời gian khô hanh. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từ 15-19h hằng ngày tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm và tổ chức lực lượng xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

Chi cục Kiểm lâm đề nghị Ban Quản lý rừng Hải Dương khẩn trương tổ chức rà soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là các diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3. Các ban quản lý di tích thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở du khách thập phương khi tham gia hoạt động tham quan, chiêm bái cần thực hiện nghiêm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hậu quả cháy rừng để lại

chay-rung-1.jpg
Cháy rừng để lại những hậu quả nguy hiểm đối với môi trường và con người

Đối với môi trường

  • Mất đa dạng sinh học: Cháy rừng phá hủy hệ sinh thái rừng, nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật. Các loài động vật có thể bị chết do bị cháy, ngạt khói hoặc mất môi trường sống. Các loài thực vật cũng có thể bị chết, dẫn đến mất đa dạng sinh học.
  • Ô nhiễm không khí: Sự suy giảm diện tích rừng cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ CO2 của hệ sinh thái rừng, gây ra việc tăng lượng khí CO2 trong không khí và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
  • Xói mòn đất: Cháy rừng làm giảm độ bao phủ của thảm thực vật khiến đất dễ bị xói mòn.
  • Biến đổi khí hậu: Khối lượng lớn khí CO2 thải ra môi trường do hậu quả cháy rừng là một trong những khí gây hiệu ứng nhà kính chính. Điều này có thể góp phần làm tăng nhiệt độ Trái đất và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Đối với con người

  • Cháy rừng thải ra nhiều chất có hại cho không khí, bao gồm khói, CO2, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hợp chất hữu cơ khó bay hơi (VOCs), những kim loại nặng và các hạt siêu nhỏ PM2.5. Các hạt PM2.5 rất nhỏ nên có thể xâm nhập vào phổi người, gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, hen phế quản, COPD và các bệnh về tim mạch.
  • Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và VOCs cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, như gây đau đầu, mệt mỏi, kích ứng mắt và đường hô hấp, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Bên cạnh đó, CO2 – hậu quả cháy rừng, là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, làm cho môi trường cũng như sức khỏe con người bị ảnh hưởng lâu dài.
  • Ngoài ra, việc ngăn chặn và dập đám cháy cũng tiêu tốn nhiều tiền bạc, nhân lực, vật tư, gây tổn thất cho nền kinh tế nặng nề.

Thu Phương