Gia Lai: Đẩy mạnh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 20:00, 09/10/2024

UBND tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn.

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2270/KH-UBND về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại.

Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai việc phân loại CTRSH tại nguồn đối với các chủ nguồn thải CTRSH, đảm bảo lộ trình thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước thay đổi hành vi, thói quen, ý thức tự giác trong việc phân loại CTRSH tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu tổng lượng CTRSH thải ra nhằm giảm tải áp lực cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

phan-loai.jpg
Gia Lai đẩy mạnh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

UBND tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% các chủ nguồn thải CTRSH trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 60% trở lên, ở xã đạt tỷ lệ 30%; tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý từ 90% trở lên.

Đối với các huyện/xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các chỉ tiêu về tỷ lệ CTRSH được thu gom xử lý, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn được thực hiện theo các Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành và các văn bản, quy định pháp luật khác liên quan.

UBND tỉnh Gia Lai cũng sẽ chỉ đạo việc thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom CTRSH để phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương.

Các loại CTRSH sau khi phân loại sẽ được chứa, đựng trong bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp. Cụ thể, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chứa trong các bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp. Chủ nguồn thải CTRSH thu gom tối đa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế để chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH.

Đối với chất thải thực phẩm, cần chứa đựng trong bao bì, dụng cụ lưu chứa phù hợp bảo đảm không rò rỉ nước, phát tán mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH. Chủ nguồn thải cần tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

UBND tỉnh Gia Lai giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm đầu mối triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm hiệu quả; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho UBND tỉnh;

Đồng thời, Sở xây dựng tài liệu tuyên truyền và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn; chủ động và phối hợp hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn đạt hiệu quả. Xác định vị trí và quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH hoạt trên địa bàn quản lý. Các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hoàng Thơ