Long An và Đồng Nai được yêu cầu khẩn trương phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1

Y tế - Ngày đăng : 21:00, 09/10/2024

Để ngăn ngừa và phòng chống dịch cúm A/H5N1, Long An và Đồng Nai được yêu cầu điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguồn lây và nhanh chóng xử lý các ổ dịch đã phát sinh, không để dịch bệnh lan rộng.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại Long An và Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các cấp chính quyền 2 tỉnh, yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y.

Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức thực hiện điều tra dịch tễ CGC A/H5N1 trên hổ, sư tử và báo tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (gọi tắt là Vườn thú), Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (gọi tắt là Khu du lịch), xác định nguồn dịch, các yếu tố nguy cơ.

Đặc biệt, truy xuất nguồn thức ăn cung cấp cho động vật và nguồn gốc động vật nhập về Vườn thú, Khu du lịch trong thời gian gần đây.

vuon-xoai.jpg
Lực lượng chức năng lấy mẫu hổ và báo chết trong khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai) đem đi xét nghiệm

Yêu cầu vườn thú, khu du lịch, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với các cá thể hổ, báo, sư tử còn lại trong đàn, các động vật hoang dã trong Vườn thú, Khu du lịch. Cách ly con bệnh và thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh cho cơ quan chuyên môn địa phương khi phát hiện các trường hợp động vật hoang dã mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết và tiếp tục phối hợp lấy mẫu gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để tiến hành xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh và phân tích chuyên sâu.

Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày. Không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có động vật mắc bệnh, chết. Hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại trong thời gian xử lý dịch bệnh.

Ngoài ra, người chăm sóc động vật phải được trang bị bảo hộ đầy đủ. Quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn cho động vật hoang dã trong Khu du lịch. Không mở cửa đón khách tham quan cho đến khi xử lý hết dịch bệnh.

Chỉ đạo Cơ quan thú y địa phương, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý ổ dịch. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch CGC trên gia cầm. Đặc biệt khu vực xung quanh nơi nuôi nhốt hổ, báo, sư tử, nơi cung cấp thức ăn cho động vật hoang dã để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Giám sát chủ động vi rút CGC trên các loài động vật hoang dã đang nuôi tại Vườn thú, Khu du lịch, lấy mẫu phân, mẫu môi trường để giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật, lây lan sang con người.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, thống kê lại tổng đàn gia cầm trên địa bàn, tiếp tục triển khai tiêm phòng CGC trên đối tượng thuộc diện tiêm, đảm bảo đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 80%...

Xử lý nghiêm những trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã không tuân thủ các quy định về thú y, các quy định về báo cáo dịch bệnh và phòng, chống dịch bệnh động vật. Trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về thú y và để lây lan dịch bệnh, cần đóng cửa Vườn thú, Khu du lịch cho đến khi xử lý hết dịch bệnh và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan...

Trước đó, từ tháng 8/2024 đến 16/9/2024, Vườn thú Mỹ Quỳnh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã có 30 con hổ và sư tử bị chết (27 con hổ và 3 con sư tử).

Trong đó có 3 con hổ mới nhập từ Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 6/9/2024. Những cá thể còn lại có nguồn gốc từ Vườn thú. Nguồn thức ăn cho hổ và sư tử (thịt gà) được nhập về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Cục Thú y đã tiến hành xét nghiệm 1 mẫu bệnh phẩm trên hổ bị chết tại Vườn thú Mỹ Quỳnh ngày 16/8/2024 và có kết quả dương tính với vi rút CGC A/H5N1.

Tiếp đó, theo báo cáo của Cơ quan chuyên môn thú y tỉnh Đồng Nai, từ ngày 8/9/2024 đến ngày 22/9/2024, đã có 21 con (20 cá thể hổ và 1 cá thể báo đen) bị chết trong tổng số 42 con hổ và 2 con báo được nuôi tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài của Công ty TNHH Khu Du lịch sinh thái Vườn Xoài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cục Thú y đã tiến hành xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên hổ bị chết tại Khu du lịch và có kết quả dương tính với vi rút CGC A/H5N1. Vi rút CGC A/H5N1 rất nguy hiểm, có thể gây bệnh trên gia cầm, nhiều loài động vật hoang dã và gây bệnh cho người.

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Nếu không phòng ngừa và ngăn chặn, dịch cúm A/H5N1 sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế và có thể trở thành thảm họa đối với môi trường. Động vật chết hàng loạt do dịch bệnh nếu không được xử lý kịp thời sẽ phá hủy nghiêm trọng sự cân bằng sinh thái, kéo theo ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... Ngoài ra, cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong là 50,8% (65/128 trường hợp mắc bệnh).

Hoàng Thơ