UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Tiền
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 11:00, 10/10/2024
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Tiền
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình huống khẩn cấp và chỉ đạo khẩn trương khắc phục sạt lở khu vực bờ sông Tiền.
Theo đó, ngày 9/10, thông tin từ UBND tỉnh đồng Tháp cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền đoạn qua địa bàn TP Cao Lãnh.
Trước đó ngày 4/10, do ảnh hưởng mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp với triều cường, bờ sông Tiền tại khu vực tổ 27, khóm 4, Phường 11, TP Cao Lãnh đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng từ công trình kè Trung đoàn 9 về phía thượng lưu, với diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phạm vi ảnh hưởng chiều dài 130m, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 23 hộ dân với 66 nhân khẩu, đe dọa trực tiếp đến công trình kè của Trung đoàn 9.
Trong đó, đoạn sạt lở khẩn cấp, nguy hiểm có chiều dài 80m (uy hiếp trực tiếp tính mạng và tài sản của 5 hộ và 20 nhân khẩu); đoạn còn lại cũng có nguy cơ sạt lở rất cao.
Để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xử lý khẩn cấp đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, các khu vực lân cận bị ảnh hưởng, xác định vành đai sạt lở, thực hiện việc cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm.
Song song đó ngành chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở, triển khai ngay các giải pháp, phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi phát hiện nguy cơ sạt lở, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại tài sản của người dân.
Đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng sạt lở để người dân biết để chủ động phòng tránh, đồng thời hạn chế người dân qua lại trong khu vực.
Ngoài ra cần khẩn trương triển khai khảo sát hiện trạng khu vực sạt lở, các khu vực lân cận, đánh giá mức độ rủi ro thiên tai tham mưu, đề xuất thực hiện các biện pháp cần thiết, hiệu quả kịp thời ngăn chặn sạt lở phát sinh, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực và công trình kè Trung đoàn 9.
Sạt lở bờ sông có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:
1. Mất đất và thay đổi địa hình: Sạt lở làm mất đi một lượng lớn đất đai, dẫn đến thay đổi địa hình và cấu trúc của bờ sông. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, mà còn gây bất ổn cho các khu dân cư gần sông.
2. Suy giảm chất lượng nước: Đất bị cuốn trôi vào dòng sông có thể làm tăng lượng phù sa và chất rắn lơ lửng trong nước. Điều này khiến cho nước bị đục và có thể chứa các chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và chất lượng nước sinh hoạt.
3. Ảnh hưởng đến hệ sinh thái: Sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động, thực vật sống dọc theo bờ sông và trong hệ thống sông. Điều này có thể làm suy giảm đa dạng sinh học và gây mất cân bằng sinh thái.
4. Gia tăng ngập lụt: Khi bờ sông bị sạt lở, khả năng bảo vệ vùng đất bên cạnh khỏi lũ lụt sẽ giảm. Sạt lở làm mất các vùng đất thấp, từ đó làm tăng nguy cơ ngập lụt ở các khu vực lân cận.