Đà Nẵng: Đề xuất đầu tư khẩn cấp gia cố sạt lở bờ sông Cu Đê

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:30, 10/10/2024

Trước sự cố sạt lở bờ sông Cu Đê gây ảnh hưởng đến công trình quốc phòng, UBND quận Liên Chiểu đã có báo cáo đề xuất UBND TP Đà Nẵng xem xét đầu tư khẩn cấp gia cố phạm vi sạt lở nêu trên.

Ngày 9/10, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vừa thông tin về tình trạng sạt lở bờ sông Cu Đê.

Theo UBND quận Liên Chiểu, bờ Bắc cửa sông đã được đầu tư bờ kè kiên cố năm 2010, bờ phía Nam chưa được đầu tư.

Ghi nhận từ năm 2010 đến nay, việc xâm thực gây sạt lở tại cửa sông Cu Đê thường diễn ra vào mùa mưa bão (từ tháng 9-12) hằng năm và bồi đắp lại vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8.

Quận Liên Chiểu cho rằng, qua theo dõi, từ năm 2010 bãi cát phía bờ Bắc (phường Hòa Hiệp Bắc) sát chân cầu Nam Ô có độ rộng rất ngắn và bồi dần qua các năm, tạo ra bãi cát trải rộng ra lòng cửa sông 40-80m.

Từ năm 2019 đến nay, ghi nhận bờ Nam cửa sông bị xâm thực và sạt lở nặng nề. Trong đó năm 2024 sạt lở vào sâu dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô khoảng 2,68ha và bồi lắng sang phía Bắc.

Tháng 9/2024, ghi nhận thực địa khu vực hai bên bờ đều có sự xâm thực, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất là khu vực phía Nam (chưa có kè chắn sóng), độ sâu sạt lở khoảng 180-200m (so với năm 2010).

song-bien.jpg
Sóng biển xâm thực vào bãi biển P.Hòa Hiệp Bắc

Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, mưa lũ làm tăng dòng chảy trên sông Cu Đê. Cùng với việc thi công các hạng mục, dự án trong vịnh Đà Nẵng ảnh hưởng đến các yếu tố thủy văn, dòng chảy… tại khu vực nên cần phải khảo sát, đánh giá một cách khách quan trên cơ sở khoa học nhằm tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục mang tính tổng thể, lâu dài.

Trước tình hình sạt lở, bồi lấp tại khu vực cửa sông, năm 2021, UBND TP đã giao Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề tài khoa học "Đánh giá nguyên nhân gây xói lở bồi tụ và nạo vét, khơi thông tại cửa sông Cu Đê", dự kiến tháng 9 năm 2025 sẽ hoàn thành.

Quận cũng đã đề xuất nạo vét sông Cu Đê, khơi thông luồng chạy tàu để phát triển du lịch.

Cũng theo quận Liên Chiểu, ngay từ đầu năm 2024 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, phường phối hợp tuần tra, kiểm tra, giám sát liên tục, nếu phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến môi trường, xây dựng (hút cát, vi phạm trật tự xây dựng…) thì xử lý nghiêm.

hu-hai.jpg
Các khu vực hàng quán trước đây bị sóng ăn sâu vào một số hạng mục

Ngày 3/10 vừa qua, UBND quận Liên Chiểu cũng đã có công văn báo cáo đề xuất UBND thành phố và Sở Xây dựng về tình trạng xâm thực gây sạt lở tại bờ phía Nam sông Cu Đê ảnh hưởng đến công trình quốc phòng. Đồng thời xem xét cho chủ trương đầu tư khẩn cấp gia cố phạm vi sạt lở nêu trên.

Đối với người dân ở phía Đông Bắc sông Cu Đê giáp với cảng biển Liên Chiểu nằm trong khu vực quy hoạch di dời để thực hiện các dự án hậu cần cảng biển và khu phi thương mại tự do nên khả năng ảnh hưởng đến người dân trong tương lai là rất thấp.

Thành phố sẽ có các chủ trương bố trí tái định cư và khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề tham gia trong các dây chuyển sản xuất, dịch vụ hậu cần để tạo thu nhập chính đáng cho người dân địa phương trong tương lai.

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn sẽ có phương án đánh giá tác động môi trường, tính toán khả năng đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án, nhất là công trình cầu đường sắt Nam Ô, đường bộ, công trình quốc phòng và dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

Trước đó, bờ sông Cu Đê bị xâm thực nghiêm trọng ở cửa sông Cu Đê - đoạn từ cầu Nam Ô ra hướng biển thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Theo UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), hiện trạng khu vực bị xâm thực nghiêm trọng với chiều sâu khoảng 50m, chiều dài khoảng 500m. Việc này đã tác động lớn đến các hộ đang hành nghề ngư nghiệp tại sông Cu Đê, đe dọa sự an toàn của tuyến đê kè phường Hòa Hiệp Bắc.

Cảnh báo của các chuyên gia: Xói lở bờ biển và bồi tụ cửa sông gây ra hậu quả nặng nề về sinh mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và đất đai. Đồng thời còn gây nên những tai biến ven bờ, làm suy thoái môi trường sinh thái như ngập lụt, ngọt hóa, nhiễm mặn, nhiễm bẩn và mất môi trường sống của các loài sinh vật.

Hoàng Thơ