Đà Nẵng: Sẽ đánh giá toàn diện thực trạng về phế thải xây dựng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:06, 13/06/2020
SATREPS là dự án thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam.
Dự án thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển bền vững giữa JICA và Tổ chức Khoa học và công nghệ Nhật Bản (JST).
Tại Việt Nam, dự án được Đại học Xây dựng chủ trì thực hiện trong thời gian 5 năm (2018-2023).
Ảnh minh họa
Chính vì vậy, tại cuộc làm việc với đoàn chuyên gia của Đại học Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã đề xuất dự án SATREPS xem xét nghiên cứu, hỗ trợ thành phố nhằm đánh giá toàn diện thực trạng về phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố, làm cơ sở xây dựng dự án đầu tư về quản lý, xử lý phế thải xây dựng hiệu quả của thành phố.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu hỗ trợ lập dự án quản lý tổng hợp về môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang một cách bền vững.
“Qua trao đổi bước đầu, Đại học Xây dựng đã thống nhất kế hoạch hợp tác, hỗ trợ Đà Nẵng theo các vấn đề trên. Trong thời gian tới, đoàn sẽ làm việc với JICA để xác định hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát để đánh giá toàn diện thực trạng về phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” – Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng thông tin.
Vấn đề phế thải xây dựng là một trong những điều khiến Đà Nẵng đau đầu, bởi giữa công cuộc đổi mới, chỉnh trang đô thị, phế thải xây dựng của thành phố ngày càng nhiều nhưng việc xử lý chưa có hệ thống.
Tình trạng người dân đổ trộm rác thải xây dựng ở những khu đất trống vẫn diễn ra tràn lan, cơ quan chức năng vẫn chỉ có thể tuyên truyền và “canh chừng” cả đêm ngày.
Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang đã kéo dài cả chục năm nay. Dù chính quyền địa phương cho đến ban quản lý đã có nhiều giải pháp nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc “dọn rác”.
Theo Lao Động