[Góc nhìn tuần qua]: Nỗi lo cháy rừng tại miền Bắc

Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 12/10/2024

Bão số 3 vừa qua đã làm nhiều cây rừng bị gãy đổ bật gốc. Trong khi đó, miền Bắc đang ở những ngày cao điểm của hanh khô, khiến cho thực bì dưới tán rừng khô nhanh hơn, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Góc nhìn tuần qua

[Góc nhìn tuần qua]: Nỗi lo cháy rừng tại miền Bắc

Ban Biên tập Moitruong.net.vn 12/10/2024 11:00

Bão số 3 vừa qua đã làm nhiều cây rừng bị gãy đổ bật gốc. Trong khi đó, miền Bắc đang ở những ngày cao điểm của hanh khô, khiến cho thực bì dưới tán rừng khô nhanh hơn, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

[Góc nhìn tuần qua]: Nỗi lo cháy rừng tại miền Bắc

Thời tiết hanh khô liên tục trong một tuần qua đã khiến cho nhiều cánh rừng ở miền Bắc luôn trong tình trạng cảnh báo cháy rừng. Cụ thể, cảnh báo cháy rừng ở 24 quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh ở mức bốn, cấp cảnh báo ở mức nguy hiểm. Với cấp cảnh báo này, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ về lửa là cháy rừng có thể bùng phát.

Đáng lo ngại hơn, hiện nay, đang có 174.000 hecta rừng thiệt hại sau bão số 3 và diện tích rừng gãy đổ này chính là nguồn vật liệu cháy rừng dễ dàng bùng phát khi có sơ sẩy nhỏ về lửa. Bảo vệ rừng, phục hồi rừng sau bão là một vấn đề cần phải giải quyết nhanh chóng tại các địa phương.

Bên cạnh đó, tình hình cháy rừng cũng đang trở thành mối lo ngại lớn ở nhiều địa phương khác, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La và Lào Cai.

Để giảm thiểu rủi ro, Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã có phương án hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Vừa qua, các địa phương cũng đã tiến hành kiểm kê thiệt hại do bão số 3 gây ra và gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với rừng thuộc sở hữu cá nhân, các doanh nghiệp, hộ gia đình sẽ chủ động thu gom sản phẩm bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 và tiến hành giải phóng mặt bằng để phòng cháy, chữa cháy rừng, tiến hành trồng lại rừng.

Đối với rừng thuộc sở hữu của nhà nước bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, cần phải nhanh chóng đánh giá chi tiết hơn, xác định loại rừng có khả năng cháy cao hơn, ví dụ như rừng lá kim, gỗ, tre, nứa,… để có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp đối với từng loại rừng. Đồng thời, phải nhanh chóng tiến hành xây dựng các phương án phục hồi rừng trình các cấp có phê duyệt để triển khai thực hiện.

Ban Biên tập Moitruong.net.vn