LHQ thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển bền vững các đại dương trên thế giới
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:30, 10/06/2020
Các đại dương trên thế giới – nhiệt độ, hóa chất, các dòng chảy và sự sống của chúng – điều khiển các hệ thống toàn cầu vốn làm cho trái đất có thể ở được đối với loài người. Nguồn nước mưa, nước uống, thời tiết, khí hậu, các bờ biển, phần lớn thực phẩm, sinh kế, giao thông, thương mại và thậm chí cả oxy mà chúng ta thở, cuối cùng đều được cung cấp và điều tiết bởi đại dương.
Trong thông điệp nhân Ngày đại dương thế giới, được tổ chức hàng năm vào ngày 8/6, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước cam kết bảo tồn và phát triển bền vững các đại dương thế giới, trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tổng thư ký LHQ cho rằng “khi chúng ta nỗ lực để chấm dứt đại dịch và xây dựng cuộc sống tốt hơn, chúng ta có cơ hội một lần trong thế hệ và trách nhiệm để điều chỉnh mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên, bao gồm cả các vùng biển và đại dương trên thế giới”,
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các đại dương đối với đời sống con người, đồng thời cho biết rằng chúng cung cấp cho chúng ta “thực phẩm, sinh kế, giao thông và thương mại”. “Với tư cách là lá phổi của hành tinh của chúng ta và bể chứa carbon lớn nhất của nó”, vốn hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn so với việc thải ra loại hợp chất này, “các đại dương đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu”.
Trong thông điệp của mình, ông Guterres cảnh báo, “mực nước biển đang tăng lên do biến đổi khí hậu, đe dọa cuộc sống và sinh kế ở các quốc gia vùng thấp và các thành phố và các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới”.
Ảnh minh họa
Các đại dương đang trở nên có tính chất axit hơn, khiến tình trạng đa dạng sinh học biển và các chuỗi thực phẩm thiết yếu gặp nguy hiểm, và ô nhiễm nhựa tràn lan khắp mọi nơi.
Theo chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ con người.
Tổng thư ký LHQ cho biết “thập kỷ sắp tới của LHQ về khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững sẽ cung cấp động lực và một khuôn khổ chung cho hành động”, thúc đẩy chính phủ các nước và tất cả các bên liên quan cam kết đổi mới và khoa học để bảo tồn và duy trì các đại dương trên thế giới.
Cùng chung quan điểm với Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông Tijjani Muhammad-Bande nhấn mạnh việc khai thác không bền vững tài nguyên quý giá này đang đe dọa đến “khả năng của các đại dương cung cấp cho chúng ta”. Năm nay, chúng ta phải hành động để ngăn chặn hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ vào đại dương và bảo vệ các hệ sinh thái toàn cầu.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ “cam kết bảo vệ 30% hành tinh xanh của chúng ta vào năm 2030”, để bảo vệ ít nhất 30% đại dương của chúng ta, thông qua một mạng lưới các khu vực được bảo vệ cao.
Việc bảo tồn các đại dương, các vùng biển và tài nguyên biển của nó và việc sử dụng chúng một cách bền vững là trọng tâm chính của Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 14. Đây là một trong 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững của LHQ mà các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đạt được vào năm 2030, nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh, cải thiện cuộc sống và triển vọng của tất cả mọi người, ở bất cứ nơi đâu.
Bảo An