Phát huy vai trò của Hội viên Chi hội nhà báo trong phát triển chất lượng nội dung tạp chí

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 17:10, 12/10/2024

Ngày 11/10/2024, tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức kỷ niệm 21 năm Ngày thành lập (13/10/2003 - 13/10/2024) và Tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội Nhà báo trong phát triển nội dung Tạp chí TN&MT”.
Tin tức - Sự kiện

Phát huy vai trò của Hội viên Chi hội nhà báo trong phát triển chất lượng nội dung tạp chí

Thanh Thanh 12/10/2024 17:10

Ngày 11/10/2024, tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức kỷ niệm 21 năm Ngày thành lập (13/10/2003 - 13/10/2024) và Tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội Nhà báo trong phát triển nội dung Tạp chí TN&MT”.

Tham dự có nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam; về phía Tạp chí Tài nguyên và Môi trường có: TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập; ThS. Kiều Đăng Tuyết, Phó Tổng Biên tập; ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí.

Tại Hội trường lớn Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Tạp chí TN&MT đã tổ chức kỷ niệm 21 năm ngày thành lập và tọa đàm "Phát huy vai trò của Hội viên Chi hội nhà báo trong phát triển chất lượng nội dung tạp chí". Đồng thời, cũng qua chuyến đi này, Ban Biên tập Tạp chí mong muốn những người làm báo đi thực tế, để trực tiếp chứng kiến những tư liệu lịch sử báo chí đang có tại Thái Nguyên - mảnh đất cội nguồn của Báo chí cách mạng Việt Nam, nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam, trường dạy làm báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng và nhiều sự kiện báo chí khác.

Địa chỉ đỏ về nền Báo chí cách mạng Việt Nam

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 21 năm ngày thành lập tạp chí và tọa đàm, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cho biết: Hôm nay, chúng ta vô cùng xúc động đến thăm một địa chỉ đỏ của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Được xem, giới thiệu về tư liệu quý quá trình dạy học và làm báo của các thế hệ tiền bối đi trước.

“Là địa điểm ý nghĩa để Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức kỷ niệm 21 năm ngày thành lập, là dịp để những người làm báo Tạp chí thấm đẫm những kỷ niệm của những người làm báo tiền bối, giúp cho những người làm báo chúng ta tiếp thu những bài học quý báu, ý nghĩa, sâu sắc của thế hệ đi trước về nghề báo, giúp chúng ta có thêm nguồn động lực, sinh khí để xây dựng phát triển Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.

1(2).png
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

TS. Đào Xuân Hưng mong muốn các nhà báo trong Chi hội Nhà báo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, phát huy trách nhiệm, vai trò của người làm báo trong tuyên truyền về truyền thông chính sách ngành Tài nguyên và Môi trường được chính xác, khoa học, đảm bảo truyền thông hiệu quả nhiệm vụ chính trị Bộ TN&MT đã giao.

Tại lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Đào Xuân Hưng phát biểu tri ân các lãnh đạo tiền nhiệm, viên chức, người lao động đã nghỉ chế độ của Tạp chí đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển của Tạp chí. Đồng thời, TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh, để Tạp chí phát triển hơn nữa, rất cần sự chung tay, đoàn kết của cán bộ, viên chức, người lao động tạp chí. Tập thể phải cùng chung chí hướng trong xây dựng và phát triển Tạp chí. Có như vậy chúng ta mới đạt kết quả cao cho các mục tiêu phát triển đề ra".

screenshot-2024-10-12-170136.png
Tạp chí TN&MT dâng hoa tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Hướng đến sự phát triển chung của Tòa soạn

Tại buổi tọa đàm, TS. Đào Xuân Hưng đã có bài tham luận về vấn đề bối cảnh, xu thế phát triển báo chí nói chung và phát triển chất lượng nội dung các ấn phẩm của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nói riêng.

Hiện nay, nguồn thu quảng cáo báo chí sụt giảm, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid -19; kinh tế suy thoái; xu hướng của công chúng báo chí thay đổi và nguồn quảng cáo bị chia sẻ với các nền tảng mạng xã hội và 1.924 trang thông tin tổng hợp được cấp phép hoạt động. Do vậy, nhiều cơ quan báo chí đã thay đổi xu thế phát triển theo nhu cầu của công chúng báo chí, bắt kịp sự phát triển nội dung số và công nghệ số báo chí,...

Đối với vấn đề trọng tâm là nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học của Tạp chí in, hướng đến nâng lên 1 điểm, TS. Đào Xuân Hưng cho biết, đây là việc làm cần thiết để nâng cao uy tín, vị thế của Tạp chí trong ngành tài nguyên và môi trường, nên cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện, giải pháp đột phá, tăng nguồn kinh phí đầu tư cho tạp chí in, và sự chung tay của cả tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí. Đồng thời kêu gọi sự tham gia cộng tác của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia. Tạp chí sẽ tổ chức cuộc hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng và điểm số khoa học vào tháng 11/2024.

Cùng với đó là giải pháp nâng cao đời sống viên chức, người lao động bằng việc thực hiện kế hoạch như: Tăng số chuyên đề khoa học; chuyên đề về 9 lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chuyên đề địa phương; tăng số lượng phát hành; hằng năm sẽ xuất bản số chuyên đề về COP (Việt – Anh).

Đối với phiên bản điện tử tiếng Việt của Tạp chí, chúng ta chưa tập trung chuyên sâu vào các chuyên đề,… Do vậy, cần tổ chức các tuyến bài chuyên sâu về 9 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức các hội thảo truyền thông chính sách, đẩy mạnh hợp tác truyền thông; phát triển kinh tế báo chí; đẩy mạnh tọa đàm khoa học trực tuyến để thu hút các nhà khoa học và độc giả quan tâm.

Đối với phiên bản điện tử tiếng Anh, tiếp tục phát huy những thế mạnh hiện có, làm tốt các nhiệm vụ về ngành tài nguyên và môi trường, chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông về đối ngoại, kinh tế, sự kiện, hợp tác; đẩy mạnh hợp tác tuyên truyền với trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch các địa phương, với các Sở Du lịch trên toàn quốc.

screenshot-2024-10-12-170234.png
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí trình bày tham luận

Về xây dựng nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội, hiện nay Tạp chí cần tập trung khai thác được thế mạnh này. Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2024, trên kênh YouTube, Tạp chí đã sản xuất được 540 video thời tiết với 755,2k view (xem). Chỉ tính riêng tháng 9/2024, với việc thay đổi làm video ngắn thay bằng video dài, kênh YouTube của Tạp chí có số lượt xem trong tháng 9/2024 đạt 610 nghìn lượt xem, tổng giờ xem đạt 5.100 giờ.

Tháng 9/2024, kênh Tiktok của Tạp chí có số lượt xem đạt 3.5 triệu view (xem), 26.000 lượt like (thích) và 962 lượt chia sẻ, trong đó có nhiều video trên 100 nghìn lượt người xem. Video lượt view nhiều nhất là 171 nghìn người xem. Đến nay, một ngày đều có hơn 100.000 lượt người xem Tiktok của Tạp chí.

Đặc biệt trong cơn bão số 3 và số 4 vừa qua, Tạp chí đã tập trung thực hiện các bản tin về dự báo bão, cảnh báo lũ, lưu lượng mưa, cảnh báo sớm về thiên tai, cập nhật thông tin thường xuyên, qua việc lan tỏa trên Facebook, Zalo đã gia tăng thu hút số lượng nhiều người xem, qua đó góp phần hiệu quả vào công tác thông tin, truyền thông về dự báo thời tiết và phòng chống bão lụt.

Đây mới là bước đầu thực hiện thử nghiệm, do vậy, đối với nội dung trên các nền tảng mạng xã hội của Tạp chí cần tập trung vào 9 lĩnh vực của ngành, cần thực hiện sáng tạo về nội dung như: YouTobe: Đặc sắc, sâu, dài, hay; Tiktok: Ngắn, xu hướng, thị hiếu; Facebook: Kênh dẫn, quảng bá, giới thiệu, lan tỏa nội dung...

Mục tiêu hướng đến năm 2026, cùng với phát triển về nội dung, nâng cao đời sống viên chức, người lao động, Tạp chí sẽ kiện toàn về công tác tổ chức, nhân sự, định hướng xây dựng bộ máy của Tạp chí gồm có: 05 phòng: Trị sự; in; điện tử; nội dung số; Văn phòng miền Nam.

Đặc biệt, TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh, Tạp chí cần sự đoàn kết, chung tay đồng lòng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí cho sự phát triển của cơ quan ngày một tốt hơn và đạt được các kế hoạch, mục tiêu đề ra.

screenshot-2024-10-12-170323.png
Tạp chí TN&MT chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Tiếp đó, ThS. Kiều Đăng Tuyết, Phó Tổng Biên tập trình bày tham luận về chủ đề: “Thúc đẩy kinh tế báo chí góp phần nâng cao chất lượng nội dung và đời sống của viên chức, người lao động”. Theo ThS. Kiều Đăng Tuyết, trong bối cảnh chung của báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, đặc biệt là những cơ quan báo tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cũng không nằm ngoài những khó khăn đó. Do đó, vấn đề cân đối thu chi, nguồn thu từ dịch vụ là rất quan trọng đối với Tạp chí.

Ở phương diện chuyên môn nghiệp vụ, ThS. Kiều Đăng Tuyết đề xuất, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phải xác định luôn giữ được phong độ là Tạp chí khoa học uy tín của ngành. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải có lộ trình và đầu tư nguồn lực để xây dựng nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí in có chỉ số điểm khoa học đạt ngưỡng từ 0,75 đến 1 điểm. Nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí điện tử tiếng Việt và tiếng Anh để thu hút quảng cáo và hợp tác truyền thông.

screenshot-2024-10-12-170405.png
Ths. Kiều Đăng Tuyết, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Cũng tại Tọa đàm, ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập trình bày tham luận “Nghĩa vụ của Hội viên Chi hội Nhà báo và trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí Tài nguyên và Môi trường”. Theo đó, ThS. Trần Thị Cẩm Thúy chỉ đạo, để nâng cao chất lượng nội dung của Tạp chí in và điện tử đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao của từng Hội viên Chi hội Nhà báo. Các hội viên Chi hội cần có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh, đạo đức trong quá trình tác nghiệp thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở. Cùng với việc chấp hành Điều lệ của Hội Nhà báo Việt Nam, mỗi Hội viên cần có trách nhiệm trong việc thực hiện các Quy định, Quy chế của cơ quan và Quyết định phân công nhiệm vụ của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, có ý tưởng, tư duy sáng tạo trong quá trình tác nghiệp.

screenshot-2024-10-12-170442.png
ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Tại Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Khắc Đoàn, trình bày tham luận “Phát huy vai trò của Hội viên trong thực hiện nội dung Tạp chí in”. Theo Nhà báo Nguyễn Khắc Đoàn, để nội dung được tốt hơn, từng phóng viên và biên tập viên cần được trang bị, đào tạo thêm về kỹ năng viết tin, bài, biên tập thông qua các diễn đàn, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí. Giúp phóng viên và biên tập viên nâng cao khả năng viết và thực hiện các thể loại báo chí đa phương tiện,…

Trình bày tham luận về “Hội viên cần tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình viết tin, bài”, Nhà báo Đoàn Thị Hồng Minh cho biết, trong bối cảnh khó khăn của báo chí đang tạo sức ép lên các nhà báo nói chung và các phóng viên của tòa soạn Tạp chí nói riêng. Nhận diện và thẳng thắn với thực tế tại bộ phận điện tử, ở một phương diện nào đó, các phóng viên điện tử phải thực sự nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ báo chí của Tạp chí chuyên ngành TN&MT. Hiện nay, nội dung và chất lượng truyền thông chính sách TN&MT chưa đạt được như kỳ vọng của Ban Biên tập và những kế hoạch dự kiến ban đầu.

screenshot-2024-10-12-170530.png
Nhà báo Đoàn Thị Hồng Minh trình bày tham luận

Nhà báo Lê Ngọc Huyền, trình bày tham luận “Giải pháp để thu hút nhiều bạn đọc cho chuyên trang tiếng Anh của Tạp chí TN&MT”. Theo Nhà báo Lê Ngọc Huyền, để phát triển mạnh hơn nữa chuyên trang điện tử tiếng Anh của Tạp chí, cần:

Đầu tư vào nhân lực và công nghệ, trước mắt, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền về lĩnh vực quản lý của Bộ trong năm tới, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực và công nghệ. Cụ thể, đề xuất thêm 2-3 phóng viên, biên tập viên có kiến thức chuyên sâu về tài nguyên và môi trường, đồng thời có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo là rất cần thiết. Đặc biệt, việc xây dựng một chế độ nhuận bút hấp dẫn là cần thiết để khuyến khích các phóng viên, biên tập viên, người phụ trách tích cực đóng góp nội dung có giá trị. Xây dựng chế độ khuyến khích, ngoài nhuận bút, cần có các chính sách khuyến khích lâu dài, như đánh giá thành tích hàng năm và trao thưởng cho những cá nhân có nhiều đóng góp nổi bật.

screenshot-2024-10-12-170624.png
Nhà báo Lê Ngọc Huyền trình bày tham luận

Tối ưu hóa công nghệ và SEO, song song với việc đầu tư nhân sự, cần tối ưu hóa các công cụ tiếp thị số, đặc biệt là SEO, để tăng cường khả năng hiển thị của chuyên trang trên các nền tảng tìm kiếm quốc tế. Cùng với đó, cần có chiến lược lâu dài như: Tăng cường hợp tác quốc tế; Nâng cao chất lượng nội dung; Đẩy mạnh tiếp thị số,…

Tại tham luận “Đạo đức của người làm báo trong quá trình tác nghiệp”, Nhà báo Bùi Quang Hậu, cho biết, việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, xét cho cùng cũng chính là nhằm nâng cao trình độ tư duy, phẩm chất chính trị và nghiệp vụ của người làm báo. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo.

Phát biểu kết luận tại buổi Tọa đàm TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao những tham luận và ý kiến trao đổi của các hội viên Chi hội Nhà báo về những vấn đề phát triển Tạp chí.

“Đặc biệt, nhiều tham luận đã chỉ ra những hạn chế và đưa ra được những giải pháp hay, khắc phục những tồn tại, Ban Biên tập Tạp chí ghi nhận các ý kiến, sáng kiến để phát huy hiệu quả trong việc xây dựng Tạp chí ngày một phát triển hơn".

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc; ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc...

Tháng 4/1949 lễ khai giảng đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ).

Học viên gồm 42 cán bộ từ cả nước gửi về, 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những lãnh đạo giàu kinh nghiệm. Lớp học vinh dự nhận được sự quan tâm đặc biệt khi Bác Hồ đã 2 lần gửi thư động viên.

Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo gồm 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…).

Thanh Thanh