Kon Tum: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 17:13, 12/10/2024
Kon Tum: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV với sự tham dự của đại diện 324.000 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngày 11/10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần IV được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Kon Tum đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Tham dự Đại hội, về phía Trung ương có đồng chí Nông Thị Hà – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Ngọc -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; đại biểu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố; 245 đại biểu tiểu biểu thay mặt hơn 324.000 đồng bào dân tộc thiểu số của 43 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm (giai đoạn 2019-2024) triển khai thực hiện Chương tình hành động của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III. Năm 2019, tỉnh Kon Tum cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tính đến 6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Kon Tum là 112.579 tỷ đồng, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.687 tỷ đồng.
Bằng các nguồn vốn được đầu tư, tỉnh Kon Tum đã đầu tư, sửa chữa, duy tu 1.162 công trình; hỗ trợ cây, con giống, chuồng trại chăn nuôi, máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 99,31% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở; 99,29% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất sản xuất; 15.489 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 9.716 hộ, chiếm 95,06% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang mong muốn, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ gìn yêu thương, đùm bọc, gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, có tinh thần yêu nước sâu sắc. Bà con tiếp tục tham gia thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia các lớp đào tạo, học nghề, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống của dân tộc mình; không ngừng nỗ lực trong học tập và lao động sản xuất để tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo. Hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Phát biểu tại Đại hội, bà Nông Thị Hà – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng, nhất là ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ và cán bộ dân tộc thiểu số rất ít người. Phát huy vai trò của người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng – an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục – đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái…