Hưng Yên: Tập trung các biện pháp, khẩn trương phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 20:00, 14/10/2024

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tập trung cao độ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp sau hậu quả bão số 3, sớm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024.

Để giúp người dân nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Công điện số 2947/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tập trung cao độ, triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp, giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tổng hợp, đánh giá chính xác đầy đủ thiệt hại do bão số 3 gây ra để làm cơ sở các chính sách, biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý, theo dõi, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, cung cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu bảo đảm cho sản xuất; bảo đảm nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả; không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình để đầu cơ trục lợi, thao túng, lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và sản xuất, kinh doanh.

nong-nghiep-sau-bao(1).jpg
Ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên thiệt hại nặng nề sau bão số 3

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp theo quy định; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác) để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện, cấp xã được UBND tỉnh giao thì khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đặc biệt là việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Các huyện, thị xã, thành phố cũng tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều và pháp luật có liên quan, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Cùng với đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất vừa qua; chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận tiện, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là bảo đảm chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ.

ngo.jpg
Nhiều diện tích ngô của thành phố Hưng Yên bị gãy đổ

Công điện cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng do bão, mưa lũ; kịp thời triển khai các biện pháp điều tiết, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.

Sở Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện ngay theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước... đối với các địa phương, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ, nhất là sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; tiếp tục nghiên cứu chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho các đối tượng bị thiệt hại.

Chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng; trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.

Các sở, ngành, cơ quan và địa phương tiếp tục chủ động, tích cực vận động các đối tác, nhà tài trợ để huy động các nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, địa phương bị ảnh hưởng. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động và phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ theo quy định.

Hoàng Thơ