Tháng 9/2024, toàn quốc xảy ra 335 vụ cháy, làm 4 người thiệt mạng

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 17:00, 14/10/2024

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, trong tháng 9, toàn quốc xảy ra 335 vụ cháy làm 4 người chết, 6 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 67,7 tỷ đồng và 16,07 ha rừng.
Môi trường đô thị

Tháng 9/2024, toàn quốc xảy ra 335 vụ cháy, làm 4 người thiệt mạng

Thanh Thanh 14/10/2024 17:00

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, trong tháng 9, toàn quốc xảy ra 335 vụ cháy làm 4 người chết, 6 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 67,7 tỷ đồng và 16,07 ha rừng.

Theo đánh giá, so với tháng 8, số vụ cháy trong tháng 9 tăng 23 vụ; số người chết tăng 3 người, số người bị thương tăng 3 người, thiệt hại về tài sản tăng 57,1 tỷ đồng.

Trong tháng 9, toàn quốc cũng xảy ra 1 vụ nổ làm chết 1 người. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các địa phương đã xuất 983 lượt phương tiện và 5.962 lượt cán bộ, chiến sỹ tổ chức chữa cháy 302/335 vụ cháy, nổ.

Lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người bị mắc kẹt ra nơi an toàn, trực tiếp cứu được 81 người trong các vụ cháy, tổ chức di chuyển tài sản và cứu được tài sản trị khoảng 11,9 tỷ đồng trong các vụ cháy; xuất 1.210 lượt phương tiện và 8.303 lượt cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia 735 vụ cứu nạn cứu hộ; cứu được 4.813 người và tìm được 125 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Lực lượng tại chỗ và nhân dân dập tắt 33/335 vụ cháy, nổ.

capture(3).png
Tháng 9/2024, toàn quốc xảy ra 335 vụ cháy, làm 4 người thiệt mạng

So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 5 vụ, số người chết giảm 59 người; số người bị thương giảm 40 người, thiệt hại về tài sản tăng 15,88 tỷ đồng. Số vụ nổ tương tự cùng kỳ năm ngoái.

Tại địa bàn thành thị xảy 192 vụ cháy (chiếm 57,3%), nông thôn xảy ra 143 vụ (chiếm 42,7%). Cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 101 vụ (chiếm 30,1%); kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh xảy ra 38 vụ cháy (chiếm 11,3%); các cơ khác số vụ cháy chỉ chiếm dưới 10%.

Trong số 223/335 vụ đã được làm rõ nguyên nhân thì các vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện 186 vụ (chiếm 83,4%); các nguyên nhân đều chiếm dưới 10%. Đáng chú ý, trong tháng 9, toàn quốc xảy ra 5 vụ cháy lớn; số vụ cứu nạn cứu hộ dưới nước vẫn chiếm tỷ lệ cao, đa phần do người dân bất cẩn; các tai nạn sự cố khác có chiều hướng tăng.

Đặc biệt, trong thời gian khắc phục hậu quả bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an các địa phương bị ảnh hưởng bão đã huy động 100% quân số trực ban, trực chiến 24/24h; huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ tổ chức hàng nghìn vụ cứu nạn, cứu hộ người dân bị nạn trong bão lũ, sạt lở đất.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản đến nơi an toàn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ; tổ chức lực lượng tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích, cấp cứu người bị nạn...

Để tiếp tục kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, trong tháng 10/2024, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xây dựng và nhân rộng 2 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” phát huy hiệu quả công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư.

Công an các địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Định) tiếp tục duy trì triển khai có hiệu quả Trung tâm trải nghiệm cộng đồng về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tiếp tục thí điểm xây dựng Trung tâm giáo dục cộng đồng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại công an các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và nhân rộng tại các địa phương khác.

Lực lượng chức năng tiếp tục xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực, đăng tải công khai các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng; tổ chức điều tra, xử lý vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, chủ động lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiệu quả các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn.

Cháy, nổ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:

1. Ô nhiễm không khí: Khói và khí độc từ cháy nổ thải vào khí quyển, làm giảm chất lượng không khí và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

2. Ảnh hưởng hệ sinh thái: Cháy rừng hay cháy nhà máy có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học.

3. Nước bị ô nhiễm: Chất thải từ cháy nổ có thể rò rỉ vào nguồn nước, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước.

4. Đất bị ảnh hưởng: Chất lỏng và hóa chất từ cháy nổ có thể làm biến đổi cấu trúc đất, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây cối.

5. Biến đổi khí hậu: Khí nhà kính được thải ra từ cháy nổ có thể góp phần vào biến đổi khí hậu, gây ra những hệ lụy lâu dài cho hành tinh.

Thanh Thanh