Bình Định: Trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:00, 16/10/2024
Bình Định: Trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày 15/10, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã có quyết định về việc phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam - tỉnh Bình Định” do Chính phủ Canada tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Theo đó, dự án triển khai tại một số phường, xã tại TP. Quy Nhơn và các huyện, thị xã như Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Nhơn. UBND tỉnh Bình Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng vốn thực hiện hơn 37,2 tỷ đồng (trong đó, vốn ODA do Chính phủ Canada tài trợ không hoàn lại khoảng 31,6 tỷ đồng; vốn đối ứng của UBND tỉnh Bình Định khoảng 5,6 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong vòng 6 năm.
Mục tiêu dự án nhằm cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, và làm giàu đa dạng sinh học biển và ven biển tỉnh Bình Định.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, các nội dung chính của dự án được thực hiện tại tỉnh gồm trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán; thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn; phục hồi 4ha rạn san hô khu vực biển thuộc 4 xã, phường ở Quy Nhơn là Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng; lắp đặt 7 trạm cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu (trạm khí tượng, thủy văn) tại các xã ven biển.
Được biết, dự án cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam được triển khai tại 3 tỉnh gồm Bình Định, Sóc Trăng và Thừa Thiên Huế.
Trồng rừng ngập mặn có nhiều tác dụng quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm:
1. Bảo vệ bờ biển: Rừng ngập mặn giúp giảm thiểu sóng và xói mòn bờ biển, bảo vệ các khu vực ven biển khỏi tác động của bão và triều cường.
2. Hấp thụ carbon: Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái có khả năng hấp thụ carbon dioxide cao, giúp giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển.
3. Tạo môi trường sống: Rừng ngập mặn cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động thực vật, từ cá đến các loài chim, góp phần duy trì đa dạng sinh học.
4. Cải thiện chất lượng nước: Rừng ngập mặn có khả năng lọc và làm sạch nước, giữ cho môi trường nước ven bờ luôn trong sạch và giảm ô nhiễm.
5. Hỗ trợ sinh kế: Nhiều cộng đồng ven biển phụ thuộc vào tài nguyên từ rừng ngập mặn, như thủy sản và du lịch sinh thái, giúp cải thiện sinh kế và tạo ra nguồn thu bền vững.
6. Giảm thiểu tác động của lũ lụt: Rừng ngập mặn có thể hấp thụ nước và giảm lượng nước chảy vào các khu vực đất liền, từ đó giảm thiểu tác động của lũ lụt.
7. Tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái: Rừng ngập mặn giúp hệ sinh thái ven biển phục hồi nhanh chóng sau các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão hay lũ lụt.