Chưa bắt buộc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy từ 1/1/2025
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 08:00, 17/10/2024
Chưa bắt buộc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy từ 1/1/2025
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh về việc kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, cử tri TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy sẽ dẫn tới trường hợp phương tiện không đạt tiêu chuẩn qua đó không được tiếp tục lưu thông. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT có phương án đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn, đồng thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do không có phương tiện để di chuyển.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB). Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 42 Luật TTATGTĐB quy định: “Xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định về khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Tại Khoản 1 Điều 65 Luật BVMT quy định: “Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”; điểm b khoản 2 Điều 102 cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) “Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam”.
Như vậy, theo Bộ GTV, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành chưa bắt buộc kiểm định khí thải kể từ ngày 01/01/2025 (thời điểm Luật TTATGTĐB có hiệu lực), mà thực hiện theo Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Đối với kiến nghị phương án xử lý đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn và phương án hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn do không có phương tiện để di chuyển, Bộ GTVT cho biết lộ trình đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng.
Nội dung kiến nghị cử tri sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách; hồ sơ dự thảo lộ trình sẽ được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động theo quy định của pháp luật trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã có Công văn số 10642/BGTVTKHCN&MT ngày 03/10/2024 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình nghiên cứu đánh giá tác động chính sách để đề xuất các phương án xử lý đối với phương tiện không đạt tiêu chuẩn và phương án hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn nhưng do phương tiện không đạt chuẩn mà không có phương tiện để di chuyển nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống và bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân và cộng đồng.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Về lộ trình áp dụng kiểm định khí thải xe máy, TS. Thủy nhấn mạnh, cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng.
Hiện nay, tại Việt Nam đang có khoảng 68 triệu mô tô, xe gắn máy (số liệu tính đến năm 2021). Riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe, trong đó có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. TP Hồ Chí Minh có khoảng hơn 9 triệu xe máy.