Các giải pháp canh tác khoai mì bền vững có thể giảm lượng lớn phát thải ngành nông nghiệp

Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 18:06, 17/10/2024

Khoai mì là cây trồng chủ lực ở nước ta. Vì vậy, giảm phát thải trong canh tác khoai mì sẽ đóng góp không nhỏ vào giảm phát thải ngành nông nghiệp.
Kinh tế môi trường

Các giải pháp canh tác khoai mì bền vững có thể giảm lượng lớn phát thải ngành nông nghiệp

Tùng Dương 17/10/2024 18:06

Khoai mì là cây trồng chủ lực ở nước ta. Vì vậy, giảm phát thải trong canh tác khoai mì sẽ đóng góp không nhỏ vào giảm phát thải ngành nông nghiệp.

Tại Hội thảo "Nâng cao giá trị canh tác khoai mì - Tăng năng suất và hàm lượng bột", do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh vừa phối hợp với Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu tổ chức, TS Nguyễn Trọng Hiển, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, đã chia sẻ về thực trạng sản xuất và một số giải pháp phát triển bền vững cây khoai mì (sắn) tại Tây Ninh – tỉnh có diện tích khoai mì lớn thứ hai cả nước.

khoai-mi-2.jpg
Tây Ninh có diện tích khoai mì (sắn) lớn thứ hai cả nước

TS Nguyễn Trọng Hiển đã đề xuất giải pháp canh tác khoai mì giảm phát thải. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp có 3 loại khí phát thải nhà kính chính là methane (CH4), oxit nitơ (N2O) và CO2.

Khí CH4 thường phát sinh trong các hệ thống nông nghiệp khi phân hủy hữu cơ diễn ra trong điều kiện yếm khí (thiếu oxy), như trong hệ thống tưới tiêu kém hiệu quả hay trong các vùng đất ẩm ướt.

Để giảm phát thải CH4 trong canh tác khoai mì, cần tối ưu hóa quản lý nước. Cụ thể, tránh tình trạng ngập úng và bảo đảm hệ thống tưới tiêu được quản lý tốt để không tạo ra môi trường yếm khí trong đất. Áp dụng các kỹ thuật tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun giúp kiểm soát lượng nước tưới hiệu quả. Đặc biệt, sử dụng một số loại phân bón lá, như phân bón lá Plantagreenpower (PGP) có thể giúp giảm 30 - 50% lượng nước tưới.

khoai-mi-3.jpg
Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt trên một ruộng khoai mì ở Tây Ninh (Ảnh: Trần Phi)

Việc xử lý phụ phẩm khoai mì bằng cách ủ sinh học cũng làm giảm phát thải CH4. Theo đó, thay vì để gốc, lá, thân khoai mì sau khi thu hoạch trên đồng ruộng, phân hủy trong điều kiện yếm khí, có thể thu gom, dùng máy nghiền nhỏ và ủ sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ngay tại ruộng, giúp giảm phát thải CH4 trong quá trình phân hủy.

Giai đoạn đầu canh tác khoai mì, nếu nông dân trồng xen một số cây họ đậu, cỏ veltiver…, cũng hỗ trợ trong việc hấp thụ CH4, giúp giảm lượng khí thải phát sinh từ đất.

Khí N2O chủ yếu phát thải từ việc sử dụng phân hóa học chứa nitơ. Quá trình phân giải của các hợp chất nitơ trong phân bón tạo ra N2O, một loại khí nhà kính rất mạnh.

Để giảm phát thải N2O, trước hết, nông dân trồng khoai mì cần sử dụng phân bón hợp lý và hiệu quả. Cụ thể, giảm lượng phân bón chứa nitơ thông qua áp dụng kỹ thuật phân tích đất và chỉ sử dụng phân bón khi thực sự cần thiết. Phân bón cần được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây.

Sử dụng các loại phân bón chậm tan hoặc phân bón dạng viên để giảm thiểu lượng nitơ bị mất đi, qua đó, giảm phát thải N2O.

Trồng xen cây họ đậu, vì các loại cây họ đậu có khả năng cố định đạm tự nhiên từ không khí, giúp giảm nhu cầu sử dụng phân hóa học và giảm phát thải N2O từ quá trình sử dụng phân hóa học.

Tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân xanh vì 2 loại phân này có tác động tích cực đến sức khỏe đất, giúp cải thiện cấu trúc đất và khả năng giữ lại nitơ, từ đó giảm phát thải N2O.

Khí CO2 thường phát thải từ việc cây trồng hô hấp, sử dụng năng lượng hóa học và vận hành máy móc, quá trình xử lý đất và sử dụng phân bón hóa học.

Để giảm phát thải khí CO2, nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học trong canh tác khoai mì. Phân hữu cơ sẽ giúp cải thiện sức khỏe đất, tăng cường lưu trữ carbon trong đất và giảm nhu cầu sử dụng phân hóa học, vốn tạo ra CO2 trong quá trình sản xuất.

Canh tác theo phương pháp giảm thiểu cày xới đất có thể giảm sự phân hủy chất hữu cơ, từ đó giảm phát thải CO2. Việc giảm cày xới cũng giúp tăng cường lưu trữ carbon trong đất.

Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… để thay thế năng lượng hóa thạch trong việc vận hành hệ thống tưới tiêu, máy móc.

Sử dụng cây che phủ đất giúp bảo vệ đất, làm giảm mất carbon từ đất do xói mòn và oxy hóa. Điều này giúp giữ carbon lâu dài trong hệ sinh thái đất.

Tùng Dương