Loài cá biển đầu tiên bị tuyệt chủng trong thời hiện đại
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:30, 07/07/2020
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thông báo loài cá tay trơn đã chính thức tuyệt chủng. Đây là loài cá biển đầu tiên tuyệt chủng trong thời hiện đại và có thể sẽ không phải là loài cuối cùng.
Cá tay trơn, hay còn gọi là Handfish (tên khoa học: Sympterichthys unipennis) được IUCN được phát hiện lần đầu tiên ở vùng biển đông nam Tasmania vào khoảng năm 1800 – 1804. Đây là một trong 14 loài cá tay trơn sử dụng hai vây ở ngực để di chuyển dưới tầng đáy biển và chúng không có bong bóng khí giúp kiểm soát việc lặn xuống hay nổi lên như các loài cá khác.
Điều đặc biệt, 13 loài cá tay khác đang sinh sống ở vùng biển Australia có kích thước, hình dáng và màu sắc đa dạng. Tất cả chúng đều có vây dọc lưng, đầu nhọn và con mắt nhỏ ở hai bên. Nhưng điều khiến cá tay đặc biệt là chúng không có bong bóng giúp kiểm soát lực nổi. Thay vào đó, vây trước của chúng có hình dạng dẹt có thể hoạt động như bàn chân, giúp chúng di chuyển trên đáy biển. Cá tay cũng có bộ phận giống ăngten trôi nổi ở đỉnh đầu để lùa mồi bởi chúng không thể bơi.
Bên cạnh đôi mắt ở trên đỉnh đầu, các loài cá vây tay cũng thường mọc một bộ phận trên đỉnh đầu để dụ con mồi đến gần. Những loài này có kích thước và màu sắc rất đa dạng.
Cá tay trơn tại vùng biển phía đông nam Australia đã bị xóa sổ
Cá tay trơn được phát hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1800 trong một cuộc thám hiểm khoa học, nhưng vì sống ở tầng đáy, chúng khó sống sót trong điều kiện nuôi nhốt, chỉ có thể sống ngoài tự nhiên.
Theo các nhà nghiên cứu ở tổ chức bảo tồn phi chính phủ Fauna and Flora International, đây là lần đầu tiên một loài cá biển biến mất trên Trái đất ở thời hiện đại. Họ cho rằng hoạt động đánh bắt cá góp phần lớn dẫn tới sự tuyệt chủng của cá tay trơn. Chúng có thể chịu tác động trực tiếp do bị đánh bắt nhầm hoặc chịu ảnh hưởng gián tiếp do môi trường sống bị phá hủy.
Các nhà khoa học cảnh báo loài người nên đặc biệt chú ý đến sự tồn vong của các loài động vật biển hơn nữa. Khi cuộc sống càng hiện đại, công cụ đánh bắt cá càng phát triển thì việc khai thác nguồn lợi từ đại dương của con người càng khó kiểm soát.
Hồi chuông cảnh báo về sự tồn vong của các sinh vật sống trong tự nhiên một lần nữa lại vang lên, nhắc nhở con người về sự tàn phá thiên nhiên và môi trường sống của các loài sinh vật biển nói riêng cũng như tất cả các loài sinh vật khác trên trái đất nói chung.
Ngọc Bình (t/h)