Lượng khí thải CO2 từ cháy rừng trên toàn cầu tăng kỷ lục trong vòng 20 năm
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 18:30, 20/10/2024
Theo tờ Bloomberg, ngày 18/10, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.
Đây là kết quả của một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Science. Theo đó, các vụ cháy rừng đang trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở một khu vực nhạy cảm với khí hậu là các khu rừng phương Bắc, trải dài từ Nga cho đến Bắc Mỹ. Các tác giả của nghiên cứu cho biết, lượng khí thải từ cháy rừng đã tăng gần gấp ba lần từ những khu rừng này trong 20 năm qua.
Nghiên cứu cho rằng, lượng khí thải tăng từ cháy rừng là do sự kết hợp của thời tiết thuận lợi hơn cho các vụ cháy rừng và rừng phát triển nhanh hơn cung cấp vật chất hữu cơ dễ cháy. Cả hai xu hướng này đều được thúc đẩy bởi nhiệt độ tăng nhanh ở các vĩ độ cao ở phía Bắc, nơi đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu do tình trạng biến đổi khí hậu.
"Xu hướng tăng mạnh về lượng khí thải từ cháy rừng ngoài nhiệt đới lớn hơn là một lời cảnh báo về tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng tăng của rừng. Điều này đặt ra thách thức đáng kể đối với các mục tiêu toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", ông Matthew Jones, tác giả chính của nghiên cứu, và là nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia ở Vương quốc Anh, cho biết.
Điều này là do rừng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu của Trái đất, hấp thụ khoảng một phần tư lượng carbon thải ra từ các hoạt động của con người, chẳng hạn như hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới cũng trông cậy vào việc tái trồng rừng và trồng rừng để giúp loại bỏ nhiều CO2 hơn khỏi khí quyển, “một kế hoạch chỉ có hiệu quả nếu cây vẫn đứng vững”, nhà nghiên cứu này lưu ý thêm.
Cuộc khủng hoảng cháy rừng ngày càng trầm trọng xảy ra vào thời điểm mà tình trạng đốt cháy các thảo nguyên và đồng cỏ đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, dẫn đến tổng diện tích bị cháy rừng giảm khoảng 25% kể từ năm 2001. Tuy nhiên, ông Matthew Jones và các đồng tác giả cho rằng, lượng khí thải từ cháy rừng trên toàn cầu vẫn chưa giảm, vì lượng khí thải từ các vụ cháy rừng đã xóa bỏ mọi lợi ích về khí hậu có được từ sự sụt giảm của các đám cháy thảo nguyên và đồng cỏ.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra mức độ nghiêm trọng của cháy rừng tăng mạnh, một thước đo lượng carbon thải ra trên một đơn vị diện tích bị đốt cháy. Theo đó, con số này tăng gần 50% trên toàn cầu.
"Điều này báo hiệu các vụ cháy rừng đang gây ra nhiều thiệt hại hơn cho các hệ sinh thái rừng so với trước đây. Qua đó sẽ thách thức khả năng phục hồi của rừng và thu hồi lại lượng carbon đã mất sau các vụ cháy", tác giả chính của nghiên cứu nhận định.
Ngoài ra, các vụ cháy rừng xảy ra nhiều hơn không chỉ là vấn đề đối với khí hậu. Sự gia tăng này còn khiến nhiều cộng đồng và cơ sở hạ tầng gặp nguy hiểm hơn, đồng thời đẩy các dịch vụ chữa cháy vào tình trạng căng thẳng. Một trường hợp cấp bách đã xảy ra vào mùa hè này ở Canada, khi một vụ cháy rừng thảm khốc xảy ra ở thị trấn nghỉ dưỡng Rocky Mountain Jasper, thiêu rụi một phần cộng đồng Alberta và buộc hàng chục nghìn người phải di dời.
Cháy rừng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bao gồm:
1. Ảnh hưởng hệ sinh thái: Cháy rừng phá hủy nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.
2. Ô nhiễm không khí: Khói từ cháy rừng chứa nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.
3. Đất đai: Cháy rừng làm giảm chất lượng đất, gây xói mòn và giảm khả năng giữ nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất.
4. Khí hậu: Cháy rừng phát thải một lượng lớn carbon dioxide, góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
5. Nước: Sự thiệt hại đối với thực vật có thể dẫn đến giảm khả năng giữ nước trong đất, làm gia tăng lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô.
6. Tác động đến con người: Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cháy rừng còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, như di dời, mất mùa màng, và các vấn đề sức khỏe.