55 nghìn người dân tại Senegal bị ảnh hưởng bởi lũ lụt

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:00, 21/10/2024

Một đợt lũ lụt xuất hiện dọc theo sông Senegal đã ảnh hưởng tới 774 ngôi nhà, với khoảng 55.600 người dân sinh sống chung quanh lưu vực.
Biến đổi khí hậu

55 nghìn người dân tại Senegal bị ảnh hưởng bởi lũ lụt

Tùng Dương 21/10/2024 08:00

Một đợt lũ lụt xuất hiện dọc theo sông Senegal đã ảnh hưởng tới 774 ngôi nhà, với khoảng 55.600 người dân sinh sống chung quanh lưu vực.

Ngày 20/10, giới chức Senegal cho biết quốc gia này đã phải đối mặt với đợt lũ lụt trên diện rộng, gây ảnh hưởng tới khoảng 55.600 người dân tại nhiều vùng dọc theo lưu vực sông Senegal. Bên cạnh đó, hơn 1.000 héc-ta đất nông nghiệp cũng bị ngập sâu, chủ yếu là ớt (chiếm 49,19%), lúa (21,59%) và ngô (10,56%).

Trong bối cảnh ấy, đích thân Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye đã tới kiểm tra nhiều khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ Senegal cũng đã phân bổ 13,3 triệu USD cho những nỗ lực cứu trợ ban đầu. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng đưa ra các biện pháp dài hạn để ngăn ngừa lũ lụt trong tương lai, bao gồm xây dựng thêm hệ thống cơ sở hạ tầng kiên cố, nâng cấp đường sá, sửa chữa cầu cống và các công trình có liên quan khác.

senegal-2.jpg
Cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt

Trước đó, một quốc gia châu Phi khác là Nam Sudan cũng đã phải đối mặt với đợt lũ lụt tồi tệ, khiến ít nhất 1 triệu cư dân bị ảnh hưởng.

Ngập lụt gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

Ô nhiễm nguồn nước: Khi ngập lụt, nước lũ cuốn theo rác thải, hóa chất từ nông nghiệp, công nghiệp, dầu mỡ từ các phương tiện giao thông, và chất thải sinh hoạt vào sông, hồ và đại dương. Điều này làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và chất lượng nước sinh hoạt.

Mất mát hệ sinh thái: Ngập lụt có thể gây ra sự thay đổi môi trường sống của động thực vật. Những khu vực ngập úng có thể làm chết cây cối, phá hủy hệ sinh thái và làm giảm sự đa dạng sinh học.

Ô nhiễm không khí: Sau khi lũ rút, bùn lầy và rác thải còn sót lại có thể bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm không khí. Các chất hữu cơ phân hủy tạo ra khí metan và các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Gia tăng dịch bệnh: Nước lũ ứ đọng là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi rút và muỗi, làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh đường ruột.

Tùng Dương